Chuyện làm ăn

Để doanh nghiệp da giày vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Hồng Nga 10/05/2024 - 13:03

Ngành da giày Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản xuất và đứng thứ hai về xuất khẩu nhưng vẫn chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

da-giay.jpg

Nhiều sức ép

Theo chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2023, ngành da giày chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như đơn hàng bị cắt giảm, chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến phải thu hẹp sản xuất và giảm giờ làm, ảnh hưởng lớn tới doanh thu của DN và công ăn việc làm của người lao động.

Khó khăn lớn nhất là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn cũng đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về sản xuất sản phẩm phải có trách nhiệm xã hội và môi trường. Ví dụ EU đưa ra những yêu cầu mới như sản phẩm sinh thái, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, DN phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso cho rằng, phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, để đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) một trở ngại lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mặc dù có chiến lược phát triển ngành da giày, có đề án tái cơ cấu ngành công thương nhưng việc triển khai chưa như kỳ vọng và còn nhiều việc cần tháo gỡ. Cụ thể, nghị quyết của Chính phủ vể sự phát triển của ngành đã có nhưng chính sách thực hiện chưa được triển khai; còn nhiều quy định gây cản trở, làm tăng chí phí, giảm sự cạnh tranh của DN trong khi thủ tục về mặt pháp luật, thuế, hải quan chưa thông thoáng.

Cần giải pháp đột phá

Cũng theo ông Diên, nguyên liệu ngành da giày được xác định là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, song vẫn chưa phát triển nên DN phải chấp nhận gia công. Bên cạnh đó là năng lực khai thác cơ hội từ các FTA như còn hạn chế. Mức độ tự động hóa, chuyển đổi số, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn chưa cao. Bởi thế mà DN trong ngành chủ yếu sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, chưa đủ thế và lực để tham gia vào chuỗi sản xuất vào cung ứng toàn cầu.

“Da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với 15 FTA được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 nước và khu vực. Vì vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu tác động mạnh đến DN trong ngành”, bà Thanh Xuân chia sẻ.

Để tiếp tục phát triển ngành da giày cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.

Theo ông Thuấn, phải thúc đẩy phát triển thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp DN nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành.

Theo ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, việc xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cùng những biện pháp hỗ trợ từ cơ quan nhà nước sẽ giúp DN Việt Nam thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện, Việt Nam đã có đủ kiện hiện cần và đủ để xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu nhưng việc phát triển trung tâm theo hình thức nào, cần hỗ trợ những gì, hiệp hội DN và DN cần kiến nghị cụ thể.

Hồng Nga