Xu hướng

Cần đầu tư và xây dựng tiêu chí bền vững cho phát triển công nghiệp PtX

Bích Ngọc 10/05/2024 10:00

Công cuộc chống biến đổi khí hậu và cam kết Net Zero của các chính phủ trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Dù không thể thay thế hoàn toàn cho than, dầu… nhưng hydrogen xanh được xem là giải pháp năng lượng quan trọng hướng tới nền kinh tế bền vững cho bất kỳ đất nước nào.

Ngành công nghiệp Power-to-X (PtX) được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, với tầm nhìn của các chính phủ trên thế giới hướng đến một tương lai phát triển bền vững. Theo nghiên cứu “Giới thiệu tiêu chí bền vững chính cho ngành công nghiệp PtX tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thực hiện, nhu cầu toàn cầu về PtX vào năm 2050 dự kiến đạt 20.000 TWh (khoảng 8.000 GW công suất PtX), tương đương khoảng một nửa nhu cầu dầu thô toàn cầu hiện nay.

1_hydrogen-xanh-duoc-coi-la-giai-phap-nang-luong-quan-trong-huong-toi-nen-kinh-te-ben-vung-nguon-freep-k-.jpg
Hydrogen xanh được coi là giải pháp năng lượng quan trọng hướng tới nền kinh tế bền vững - Ảnh: Nguồn FreeP!k

PtX là quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo thành nhiều loại sản phẩm khác nhau (X), bao gồm hydrogen xanh và các dẫn xuất của hydrogen xanh (amoniac, metan, metanol và nhiên liệu tổng hợp). Các sản phẩm này sẽ được ứng dụng trong giao thông, sưởi ấm, công nghiệp, phát điện…. hoặc được sử dụng như nguồn năng lượng đầu vào và nguyên liệu thô cho các quá trình khác, nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Theo PGS -TS. Phạm Hoàng Lương - Nguyên phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc ĐHBKHN, PtX là một trong những giải pháp công nghệ của chuyển dịch năng lượng hướng đến trung hòa phát thải, do vậy cần được quan tâm nghiên cứu phát triển và nhân rộng trong giai đoạn trước mắt và trung hạn.

2_chuyen-gia-trong-nuoc-trinh-bay-ve-nghien-cuu-cac-tieu-chi-ben-vung-de-phat-trien-hydrogen-xanh-o-viet-nam-tai-hoi-thao-do-giz-to-chuc-nguon-giz-(1).jpg
Chuyên gia trong nước trình bày về nghiên cứu các tiêu chí bền vững để phát triển hydrogen xanh ở Việt Nam tại hội thảo do GIZ tổ chức. Ảnh: Nguồn GIZ

Cũng theo PGS-TS. Phạm Hoàng Lương, đầu tư cho PtX là đầu tư trong giai đoạn hiện tại (đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, lựa chọn nghiên cứu theo định hướng ứng dụng để có thể làm chủ/ nội địa hóa chuỗi cung ứng hydrogen xanh và các dẫn xuất của hydrogen xanh) nhằm giảm chi phí cho tương lai (thuế môi trường hoặc chi phí phát thải khí nhà kính/ CO2 từ các quá trình sản xuất/ dịch vụ có sử dụng năng lượng).

“Cũng như “bài toán” chung của lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển PtX có không ít thách thức về thị trường, nguồn vốn, công nghệ, lộ trình đầu tư, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm năng lượng mới…”, PGS-TS. Phạm Hoàng Lương nhấn mạnh.

Còn theo ông Võ Thanh Tùng - Cố vấn năng lượng dự án PtX Outreach do GIZ thực hiện và được Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức (BMWK) tài trợ, hiện tại các quốc gia có nhu cầu hydrogen xanh đang xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, nên việc nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật là tối cần thiết, qua đó đảm bảo cho sản phẩm sản xuất trong nước phù hợp với yêu cầu của thị trường thế giới và khu vực.

3_cac-chuyen-gia-cho-rang-can-co-khung-tieu-chi-ben-vung-cua-nganh-cong-nghiep-ptx-tren-4-linh-vuc-la-moi-truong-kinh-te-xa-hoi-quan-tri-nguon-giz-.jpg
Các chuyên gia cho rằng cần có khung tiêu chí bền vững của ngành công nghiệp PtX trên 4 lĩnh vực là môi trường - kinh tế - xã hội - quản trị. Ảnh: Nguồn GIZ

Ví dụ, Liên minh châu Âu đã phê duyệt “về nguyên tắc” một Quy định nhằm thiết lập các tiêu chí mà hoạt động sản xuất hydro phải đáp ứng, để được coi là “khoản đầu tư bền vững” tại khu vực này. Các tiêu chí đó trở thành một bước bổ sung trong việc thực hiện Chiến lược hydrogen của Ủy ban châu Âu, đặt ra “tiêu chuẩn vàng” cho việc sản xuất hydrogen bền vững, đặc biệt là tài chính bền vững.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau, phụ trách nghiên cứu ứng dụng công nghệ PtX ở Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, PVCFC sở hữu Nhà máy Đạm Cà Mau có hướng tới sản xuất hydrogen xanh, nhưng mới ở giai đoạn chuẩn bị và còn nhiều khó khăn. Cụ thể là về pháp lý, cơ chế hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó còn thiếu hành lang pháp lý quản lý lĩnh vực hydrogen như tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định an toàn…; chưa có cơ chế chứng nhận Green hydrogen.

4_theo-ong-markus-bissel-thuc-day-su-phat-trien-ben-vung-cua-nganh-ptx-lien-quan-den-viec-thuc-hien-cach-tiep-can-da-chieu.-nguon-giz-.jpg
Theo ông Markus Bissel, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành PtX liên quan đến việc thực hiện cách tiếp cận đa chiều. Ảnh: Nguồn GIZ

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, theo các chuyên gia, cần có khung tiêu chí bền vững của ngành công nghiệp PtX trên 4 lĩnh vực: môi trường - kinh tế - xã hội - quản trị, cũng như đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Là một trong những tổ chức sát sao với Việt Nam về lĩnh vực này, GIZ đã có những dự án để đưa ra các khuyến nghị, tư vấn tích cực giúp Việt Nam sớm bắt nhịp các quốc gia tiên tiến trong việc chuyển dịch năng lượng, phát triển chuỗi giá trị PtX.

Ông Markus Bissel - Giám đốc dự án PtX Outreach cho biết, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành PtX liên quan đến việc thực hiện cách tiếp cận đa chiều, bao gồm tiến bộ công nghệ, hỗ trợ chính sách và thúc đẩy thị trường. Trong khuôn khổ dự án PtX Outreach, GIZ đã triển khai các hoạt động trong 3 lĩnh vực hành động: Chính sách PtX, Kiến thức PtX và Hợp tác kết nối PtX.

5_hydrogen-xanh-dau-tu-cho-hien-tai-de-giam-chi-phi-cho-tuong-lai-nguon-giz-.jpg
Hydrogen xanh - Đầu tư cho hiện tại để giảm chi phí cho tương lai. Ảnh: Nguồn GIZ

“Tiêu chí phát triển bền vững hydrogen xanh là một trong những nghiên cứu của chúng tôi trong lĩnh vực này nhằm giới thiệu các tiêu chí bền vững chính cho ngành công nghiệp PtX của Việt Nam”, ông Markus nhấn mạnh.

Hydrogen là một chất mang năng lượng và phương tiện lưu trữ năng lượng hiệu quả. Ngành công nghiệp PtX giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, góp phần giúp thế giới cũng như Việt Nam có thể đạt mục tiêu không phát thải carbon (Net Zero) vào năm 2050.

Hydrogen xanh được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo và hoàn toàn không phát thải carbon, trong khi hydrogen xám được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và là nguồn phát thải carbon ra môi trường. Ngoài ra, tùy theo công nghệ sản xuất và nguồn vật liệu sử dụng, hydrogen sẽ được quy định thành các màu sắc khác như vàng, xanh lam, xanh lá, xám, đen và hồng.

Bích Ngọc