Trong nước

Đề xuất hủy thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% vì chỉ giải ngân được 3%

Nguyễn An 09/05/2024 15:17

Do gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 3,05% (tương đương khoảng 1.218 tỷ đồng) sau gần hai năm nên Chính phủ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn.

Đây là nội dung trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, gói hỗ trợ 2% lãi suất có quy mô 40.000 tỷ đồng cho vay với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hai năm 2022 - 2023. Đây là một trong số chính sách nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo đó, đến hết năm 2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân khoảng 1.218 tỉ đồng (tương đương 3,05% tổng quy mô chính sách).

Tuy nhiên vẫn còn khoảng 38.782 tỷ đồng thuộc gói hỗ trợ không sử dụng hết. Con số giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% đến cuối năm 2023 chỉ tăng thêm một chút, không nhiều so với thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2023.

110646222.jpg
Chính phủ đề nghị hủy thực hiện gói hỗ trợ lãi suất do giải ngân quá thấp

Với số vốn không giải ngân hết, Chính phủ cho biết đã báo cáo Quốc hội hủy dự toán và không huy động nguồn lực tiếp tục thực hiện. Việc này cũng không ảnh hưởng tới bội chi do đây là khoản chưa huy động.

Lý giải về tỷ lệ giải ngân thấp, Chính phủ cho rằng có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, mặc dù có những doanh nghiệp đủ điều kiện đã dẫn đến tình trạng trên.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp không lựa chọn chính sách là do cân nhắc giữa việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ, như phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất, do khoản này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông. Chưa kể, hoạt động kinh doanh của các đối tượng ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất có nhiều chuyển biến so với thời điểm ban hành Nghị quyết số 43.

Cùng với đó, có nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc nhóm hỗ trợ.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau dịch có nhu cầu thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách. Lúc này, họ cần được hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế, phí, lệ phí, thay vì hỗ trợ lãi suất.

Nguyễn An