Bộ Công thương lấy ý kiến dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược
Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, và đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hồ sơ dự thảo Chương trình.
Theo đó, Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược xác định mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh phát triển, từng bước hiện đại hóa ngành công nghiệp hóa dược thành ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, đảm bảo sản xuất được nguyên liệu làm thuốc, làm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu từ nguồn dược liệu trong nước, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tới các nước sử dụng cuối cùng.
Từ đó, hình thành Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư và chuyển giao công nghệ hóa dược và Trung tâm sản xuất thử nghiệm và tương đương sinh học. Đảm bảo sự phối kết hợp tốt giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp dược, hoá dược trong nước và các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất thử, thử nghiệm và sản xuất thực tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu hóa dược sử dụng để sản xuất thuốc, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thể chất khác và dùng để xuất khẩu. Đồng thời, tiến hành đào tạo được đội ngũ cán bộ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề đáp ứng yêu cầu về nhân lực của ngành công nghiệp hóa dược nói riêng, ngành dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe nói chung.
Đặt mục tiêu đến năm 2030, dự thảo định hướng đảm bảo đáp ứng 15% nhu cầu nguyên liệu hóa dược tính theo giá trị phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc và các chế phẩm y tế. Đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu các chất chiết xuất từ dược liệu cho sản xuất thực phẩm bổ sung (Dietary Supplement), thực phẩm chức năng (Functional Food) và mỹ phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng trong nước và xuất khẩu tới các nước sử dụng cuối cùng. Từ đó, triển khai nghiên cứu và thử nghiệm dược chất phát minh, thuốc mới.
Trong đó, có ít nhất 30 sản phẩm là nguyên liệu hóa dược, thành phần bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, tá dược từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, dược liệu,…dựa trên kết quả nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm của Đề án đưa ra thị trường. Sản xuất 100 tạp chuẩn, 20 chất chuẩn cho ngành hóa dược và dược.
Đồng thời, hình thành và xây dựng 02 khu công nghiệp hóa dược tại miền Bắc và miền Trung. Hình thành và xây dựng Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư và chuyển giao công nghệ hóa dược và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và đánh giá tương đương sinh học.
Trong tầm nhìn đến năm 2045, dự thảo đặt mục tiêu đảm bảo đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu hóa dược tính theo giá trị phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc và các chế phẩm y tế. Đáp ứng ít nhất 75% nhu cầu các chất chiết xuất từ dược liệu cho sản xuất thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng trong nước và xuất khẩu tới các nước sử dụng cuối cùng. Triển khai sản xuất dược chất phát minh, thuốc mới.
Cùng với đó, tăng cường việc nghiên cứu, nâng cao tiềm lực để tham gia vào nghiên cứu, tổng hợp các loại thuốc thế hệ mới. Tiếp tục nắm bắt cơ hội xúc tiến thương mại các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam phục vụ sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu một số nguyên liệu thuốc. Hoàn thiện các khu công nghiệp hóa dược, Trung tâm hỗ trợ đầu tư và chuyển giao công nghệ hóa dược và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và đánh giá tương đương sinh học.
Để đạt được các mục tiêu này, Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đưa ra 2 nhóm nhiệm vụ về sản phẩm nguyên liệu hóa dược và các dự án; 7 nhóm giải pháp tập trung vào: Thể chế, chính sách; Quy hoạch; Tài chính và hỗ trợ đầu tư; Khoa học và công nghệ; Hợp tác quốc tế; Đào tạo nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại.