Thời sự

Huyền thoại Nghệ thuật Việt Nam từ Findlay đến Borynack

Châu Quang Phước 6/5/2024 6:0

“Huyền thoại Nghệ thuật Việt Nam từ Findlay đến Borynack” là sự kiện đấu giá nghệ thuật tại Hồng Kông, do nhà đấu giá quốc tế Bonhams tổ chức trong tháng 5 này.

Vào ngày 25/5/2024, 12 tác phẩm hội họa của Lê Phổ và Vũ Cao Đàm sẽ được Bonhams đưa ra đấu giá trong chương trình “Huyền thoại Nghệ thuật Việt Nam từ Findlay đến Borynack” tại Hồng Kông.

Bonhams là một nhà đấu giá quốc tế thuộc sở hữu tư nhân, và là một trong những nhà đấu giá lâu đời nhất và lớn nhất thế giới về đồ mỹ nghệ và đồ cổ. Bonhams có hơn 280 lần bán hàng mỗi năm tại 60 khu vực sưu tập trên khắp thế giới. Bonhams có hơn 550 nhân viên với một số chuyên gia nghệ thuật hàng đầu.

Cùng với sự kiện “Huyền thoại Nghệ thuật Việt Nam từ Findlay đến Borynack”, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San tại Việt Nam cũng tổ chức hội thảo liên quan với chủ đề “Tạo dựng lịch sử thông qua nghệ thuật” với diễn giả là nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi.

Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi về chủ đề liên quan.

hary3588.jpg
Buổi nói chuyện nghệ thuật tại Bảo tàng Quang San (Ảnh Harry Nguyễn)

* Ông có thể cho biết vì sao lần này Findlay Gallery chỉ bày bán bộ sưu tập tranh của Lê Phổ và Vũ Cao Đàm mà không giới thiệu đủ đầy “tứ kiệt Đông Dương” là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm?

- Nhà đấu giá Bonhams được sự ủy quyền của ông James Borynack để đưa ra thị trường chỉ 12 tác phẩm của Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Dĩ nhiên họ cũng muốn sự có mặt của "tứ kiệt Đông Dương" nhưng chưa thực hiện được trong buổi đấu giá ngày 25/5 tới. Vì vậy, tiêu đề của cuộc đấu giá này có tên "Legends of Vietnamese Art from Findlay to Borynack" (Huyền thoại Mỹ thuật Việt Nam từ Findlay đến Borynack).

* Theo ông, sáng tác của Lê Phổ với Findlay có gì khác?

-Gần 25 năm hợp tác với Findlay, sáng tác của Lê Phổ chủ yếu là tranh sơn dầu có bảng màu tươi sáng, rực rỡ.

"Le repos" là một trong những chủ đề thường xuất hiện ở sáng tác của ông. Không gian được xây dựng trong khung cảnh huyền diệu mơ màng, tràn đầy chất thơ và long lanh màu sắc. Thiếu nữ khép nép ngồi xếp chân, duyên dáng trong tà áo dài mong về cố hương, như một cách để ông giãi tỏ lòng mình hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, bên cạnh là một em bé đang ngồi đọc sách, xa xa một thiếu nữ dường như đang đan áo. Bố cục xa gần trong không khí bảng lảng yên bình với thiên nhiên sinh động nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm suy tư cũng được thể hiện trong "Femmes aux fleurs", nhẹ nhàng dẫn đưa người thưởng ngoạn đến với những hoạt cảnh trữ tình, thơ mộng. Các thiếu nữ thấp thoáng ẩn hiện sau màu sắc tươi đẹp như tuổi xuân nồng nàn của một giấc mơ hoa.

trien-lam.jpg
Ngô Kim-Khôi và Lê Phổ trước bức tranh danh tiếng "Thời Hạnh Phúc", ảnh do bà Paulette Vaux chụp năm 1998.

Trong giai đoạn hợp tác với Findlay, có một chủ đề gắn bó mật thiết với Lê Phổ mà nếu không nhắc tới là thiếu sót, đó là chủ đề tĩnh vật tràn đầy hoa bướm với màu sắc lộng lẫy, có tiếng chim kêu nắng gọi, gợi những giấc mơ đến từ cõi trời xa. Những bức tranh "Les chrysanthèmes blancs", "Bouquet de fleurs" được Lê Phổ diễn ta rất sinh động, mang tính biểu đạt cao, cũng như "Fleurs" hay "Bouquet des champs" đều có sự sắp xếp và tính toán kỹ lưỡng về màu sắc và hình khối, mang hơi hướng hoài cổ. Đây cũng là giai đoạn ông nắm vững và làm chủ kỹ thuật chắt lọc ở Âu châu. Bảng màu của ông vẫn tỏa rạng miềm vui nhưng nghiêng hẳn sang màu vàng với nhiều sắc độ, như bừng lên một vùng nắng ấm. Người ta gọi màu vàng ấy là phong cách Lê Phổ.

Với lối thể hiện vừa gần gũi, chân thực nhưng cũng rất đài các, cao sang, hình ảnh các loài hoa là sự mảnh mai, tinh tế của các chi tiết, nhịp nhàng của đường nét và giá trị biểu tượng của hệ thống hình ảnh cân đối hai nền văn hóa Đông Tây. Đây cũng chính là chủ đề nổi tiếng được họa sĩ Lê Phổ nhiều lần khai thác với tính lãng mạn và giàu biểu cảm.

*Còn tranh của Vũ Cao Đàm?

-Thời kỳ cộng tác với phòng trưng bày Findlay tại Mỹ cũng là giai đoạn Vũ Cao Đàm sống ở miền Nam nước Pháp. Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển hoá phong cách hội hoạ của ông, đề tài chủ yếu là phụ nữ, như "Mère et enfant" hay "Maternité" có sự đan hòa của màu dầu phóng khoáng, tông trầm với lối vẽ thụ hưởng từ nghệ thuật Tây phương. Đây cũng là giai đoạn ông gặp những người bạn đồng nghiệp mới, lĩnh hội phần nào ảnh hưởng của các danh họa như Bonnard hay Marc Chagall.

Trong các tác phẩm "La divinité", "Composition", "Idylle", "Le poète" bút pháp rất đặc trưng của Vũ Cao Đàm pha trộn kỹ thuật Đông Tây, màu sắc xanh biếc, hồng, tím hoa cà, vàng, và những sắc độ của màu trắng. Ông chủ yếu dùng màu đen cho đôi mắt và tóc. Chủ đề của các bức tranh này mang tính cảm hứng từ một số trích đoạn của thi ca Việt Nam như trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn hoặc "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.

trien-lam-3.jpg
VU CAO DAM, Mère et Enfant, 1966, oil on canvas, 33 x 24 cm (Photo : Bonhams)

* Vì sao nhà đấu giá Bonhams chọn tổ chức chương trình này tại Hồng Kông mà không phải là Việt Nam, thưa ông?

- Nhà đấu giá quốc tế Bonhams cũng như những nhà đấu giá chuyên về hội họa Việt Nam rất muốn tổ chức những buổi đấu giá tại Việt Nam nhưng hiện nay chúng ta chưa có khung pháp lý cho việc thành lập trung tâm đấu giá quốc tế, cũng như chưa có cơ quan thẩm định chuyên ngành hội hoạ. Quy định của pháp luật Việt Nam là người nước ngoài không mở sàn đấu giá nên họ phải tìm cách tiếp cận với những công ty cho mượn pháp nhân, thủ tục rất phức tạp. Khi các nhà đấu giá quốc tế muốn vào Việt Nam hoạt động, đầu tiên phải cần tư cách pháp nhân của một đấu giá viên có quốc tịch Việt Nam, dù cho đó là doanh nghiệp đấu giá tư nhân hay công ty đấu giá hợp danh. Một việc khác cũng phức tạp không kém là phải tìm hiểu rõ về việc chuyển đổi ngoại tệ và VND để làm sao việc thanh khoản trở nên hợp pháp.

trien-lam-2.jpg
LE PHO, Femmes aux Fleurs, oil on canvas, 60 x 73 cm (Photo : Bonhams)

* Theo ông, thang giá trị của “tranh Đông Dương” từ các họa sĩ Việt Nam thời trước sẽ còn tăng cao hay đã đạt đỉnh trên thị trường mỹ thuật quốc tế giai đoạn này?

- Dù chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng trên thị trường nghệ thuật thế giới thì sự đột phá có thể đến bất cứ lúc nào.

Giá trị nghệ thuật bản địa như mỹ thuật Việt Nam thời Đông Dương có thể thấy là ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong những năm gần đây trên trường quốc tế, điều cần thiết là cách vận hành thị trường phải có tính chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các nhà sưu tập trong nước và quốc tế.

Châu Quang Phước