Trong nước

TP.HCM tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông

Thanh An 04/05/2024 - 13:21

Ban An toàn giao thông TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM năm 2024.

Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn.

Song song đó, lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn, các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải và các dự án hạ tầng kỹ thuật. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện,... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu và vận tải công cộng.

Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030, ưu tiên xây dựng các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị, các điểm kết nối giao thông vận tải; đẩy mạnh xây dựng các nút giao khác mức; cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông thủy hiện có, khai thông những tuyến đường thủy mới để phát triển các hình thức trung chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.

ttxvn20201009-an_suong_84f4102b.jpg
TP.HCM rà soát, xử lý dứt điểm các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Mặt khác, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; rà soát, xây dựng, tham gia góp ý để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường thủy nội địa, hàng hải, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Ngoài ra, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả.

Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền đối với khu vực cửa ngõ Thành phố nhằm tạo chuyển biến tích cực, góp phần kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông tại các khu vực này.

Thanh An