Quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo tình trạng dư thừa sản xuất của Trung Quốc

Văn Phúc 01/05/2024 - 11:33

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã tốt hơn dự kiến trong năm 2024, nhưng tình trạng dư thừa trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, là một trong các rủi ro tiếp tục tạo áp lực lên đất nước này và phần còn lại của châu Á.

Trung Quốc là nguồn gốc của rủi ro tăng trưởng và giảm giá hàng hóa. Ông Krishna Srinivasan, giám đốc bộ phận châu Á Thái Bình Dương của IMF cho biết như vậy tại một cuộc họp báo ở Singapore hôm 30/4, khi công bố báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất cho khu vực.

cdn.i-scmp.com-sites-default-files-d8-images-canvas-2023-08-01-_4b1b9106-192c-4004-a120-c3539606fb7a_9712df87.jpg
Tình trạng dư thừa hàng hóa của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại - Ảnh: SCMP

Ông nói tiếp: “Chính sách nhằm giải quyết căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy nhu cầu trong nước, sẽ giúp ích cho cả Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, chúng góp phần tạo ra tình trạng dư thừa công suất, sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc và các nước xung quanh.”

IMF đầu tháng này đã nâng triển vọng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay của ASEAN lên 4,5%, so với mức 4,2% trước đó ước tính vào tháng 10/2023. Dự đoán về Trung Quốc được nâng thêm 0,4% lên 4,6%.

Trong báo cáo triển vọng khu vực mới nhất được công bố hôm 30/4, IMF chỉ ra rằng, biện pháp kích thích tài chính được ban hành trong nhiều tháng qua, đã giúp vực dậy nền kinh tế số 2 thế giới. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 có thể tiếp tục được điều chỉnh cao lên, do tốc độ tăng trưởng quý đầu tiên mạnh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, báo cáo đề cập một số thách thức đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Trong báo cáo có đoạn: “Rủi ro lớn đối với kinh tế châu Á, là sự điều chỉnh kéo dài trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc. Điều này có thể làm suy yếu nhu cầu và khiến tình trạng giảm phát tiếp tục dễ xảy ra hơn.”

Ngoài ra, IMF còn nêu vấn đề dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhất là thép và ô tô. Chính sách thúc đẩy nguồn cung, ví dụ trợ cấp đầu tư cho các công ty, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng, tăng áp lực giảm phát và có khả năng gây xung đột thương mại giữa các quốc gia.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc công bố ngày 30/4 cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 4/2024.

Tại cuộc họp báo, ông Srinivasan chỉ ra, lạm phát đã giảm bớt trên toàn khu vực ASEAN với tốc độ khác nhau, thậm chí có rủi ro giảm phát ở Trung Quốc cũng như Thái Lan. Chỉ số giá tiêu dùng của Thái Lan đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong sáu tháng liên tiếp, tính đến tháng 3/2024. Theo ông, các ngân hàng trung ương châu Á nên tiếp tục tập trung vào ổn định giá cả trong nước, tránh đưa ra các quyết định phụ thuộc vào động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).

IMF trong triển vọng mới nhất, đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan năm nay xuống 2,7%, từ mức 3,2% đưa ra trước đó. Một trong số nhiều lý do là khả năng thực hiện gói kích thích tài chính đã mờ mịt hơn.

Về vấn đề đồng yên yếu, đã giảm xuống 160 đổi 1 USD vào ngày 29/4, ông Srinivasan nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định các yếu tố đằng sau sự mất giá này, cũng như có những trường hợp, việc can thiệp để ổn định tỷ giá là cần thiết.

Văn Phúc