Sách và tôi

Nhờ sách, trong bóng tối tìm thấy ánh sáng

Ngô Minh Hiếu (*) 29/4/2024 6:00

Những đêm lặng lẽ đọc sách, tôi thấy tiếc cho tuổi trẻ của mình. Bởi lẽ ra mình đã có thể dung nạp những kiến thức quý báu này từ trước đó, dùng những kiến thức ấy để tạo dựng sự nghiệp và tương lai…

31-img_e3261.jpg

Những cuốn sách mẹ gửi khi “du học” trong tù

Tôi sinh ra ở Gia Lai, lớn lên ở Khánh Hòa, 15 tuổi bước vào “thế giới ngầm” - nơi những “hacker mũ đen” hoạt động. Sau nhiều “phi vụ trót lọt”, năm 2013, ngay khi vừa tới sân bay đảo Guam thì mật vụ Mỹ ập tới, tôi sa lưới. Chuỗi năm tháng trong nhà tù Mỹ bắt đầu từ đó.

Những ngày đầu ở tù là sự ngột ngạt và cảm tưởng trời sắp sập khi bản án ban đầu là 40 năm! Rồi tôi được giảm án xuống còn 13 năm vì hỗ trợ mật vụ Mỹ điều tra những tội phạm trong thế giới “hacker mũ đen”.

Trầm cảm và rơi vào hố sâu của tuyệt vọng, có thời điểm nghĩ mình sẽ chết, lúc ấy, chỉ có một ý nghĩ neo lại trong tâm trí tôi là gắng sống để có ngày trở về gặp lại người thân. Ở nhà tù Mỹ không quá khắc nghiệt, mỗi ngày tôi thức giấc từ 5 giờ sáng và bắt đầu với rất nhiều việc, từ dọn dẹp, chà toilet, cắt cỏ, nấu ăn, học kinh thánh đến việc tư vấn tâm lý, chia sẻ chuyện đời của mình cho những người nghiện ma túy.

Hồi ấy, mẹ tôi gói ghém đồ gửi từ Việt Nam sang, trong đó có những cuốn sách. Vào mỗi buổi tối, sau khi đã hoàn thành xong mọi việc, tôi đọc những cuốn sách mẹ gửi hay đến thư viện. Có hai cuốn sách tôi đọc đi đọc lại là “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl và “Hiểu về trái tim” của thiền sư Minh Niệm. Mỗi lần cảm thấy mất hết hy vọng, tôi lại đọc, suy ngẫm lẽ sống từ hai quyển sách đó rồi đưa vào nhật ký.

Có một chương trong tựa sách “Hiểu về trái tim” khiến tôi nhớ mãi, đó là chương nói về sự dựa dẫm và nương tựa. Không nên dựa dẫm vào bất kỳ ai trong cuộc sống, chỉ nên nương tựa vào họ khi cần sự nâng đỡ ở những thời điểm khó khăn nhất. Trong mọi mối quan hệ đều như vậy, từ cha mẹ, vợ chồng đến những mối quan hệ khác, bởi chính mình khi đã trưởng thành cũng không muốn dựa dẫm vào bất kỳ ai mà cần phải vững vàng và trở thành một người đàn ông tự chủ, tạo ra giá trị cho cộng đồng. Ngẫm lại, trước đây tôi đã từng dựa dẫm vào tình thương của ba mẹ, luôn ỷ lại và nghĩ rằng họ sẽ luôn ở bên cạnh và tự cho mình là số một. Điều đó đã khiến tôi phạm phải nhiều sai lầm và cái giá phải trả rất đắt.

Những đêm lặng lẽ đọc sách, tôi thấy tiếc cho tuổi trẻ của mình. Bởi lẽ ra mình đã có thể dung nạp những kiến thức quý báu này từ trước đó, dùng những kiến thức ấy để tạo dựng sự nghiệp và tương lai. Giá như mình “sống chậm” một chút để ngẫm nghĩ về mọi thứ và nhìn nhận lại bản thân sớm hơn thì mọi thứ sẽ khác. Tôi đã viết 7 cuốn nhật ký, cuốn nào cũng bằng tiếng Anh và ấp ủ một ngày khi được tự do sẽ thực hiện những điều đã viết.

Ngày ấy, dù không có tự do, nhưng là chuỗi ngày để tôi đối diện, lắng nghe chính mình và nhận ra ý nghĩa cuộc sống. Nhờ sách, mở lòng mình ra và học hỏi, kết bạn với những người tích cực trong tù và coi những ngày tháng ấy như là một chuyến du học để rèn luyện mình và học những điều mới. Từ đó, tôi học cách tha thứ cho chính mình và sống trọn vẹn từng ngày, để một lần nữa “tái sinh” và trở thành “chính tôi” ở một phiên bản tích cực, hoàn toàn khác.

Trở về và vực dậy chính mình

Bảy năm biền biệt trong nhà tù Mỹ, khi trở về quê hương, cảm giác như sống một cuộc đời khác, gặp lại ba mẹ và người thân với nhiều cảm xúc đan xen. Lúc ấy, ba bệnh, mẹ gầy đi rất nhiều, tôi chỉ có một quyết tâm duy nhất là phải sống sao để ba mẹ không phiền lòng.

Năm 2020, tôi vào làm việc tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngay sau đó, tôi cùng các anh em lập ra chương trình chống lừa đảo trên không gian mạng với mong muốn nâng cao nhận thức, bảo vệ người dùng Việt Nam trước những nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến.

Chống lừa đảo trên không gian mạng là sự kết hợp của nhiều phần mềm, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học để phát hiện những trang web, đường link độc hai, lừa đảo, giả mạo đang tấn cống người dùng internet Việt Nam. Được kiểm chứng chuyên sâu để xác định và sau đó chúng tôi đưa vào cơ sở dữ liệu tình báo mối nguy (Threat feed API) nhằm giúp ngăn chặn truy cập và cảnh báo đỏ trên các trình duyệt và chương trình diệt virus.

Đến nay, chương trình đã giúp đỡ hơn 25.000 nạn nhân, đã có hơn nửa triệu người dùng tham gia cộng đồng chống lừa đảo công khai trên các nền tảng Telegram, Facebook, các tiện ích mở rộng chống lừa đảo trên trình duyệt web phổ biến.

Tính riêng trong năm 2023, với mạng lưới các nhóm và kênh trải đều trên các mạng xã hội, chương trình của tôi và cộng sự đã phổ cập về an toàn thông tin, hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo, lượt tiếp cận thông tin lên đến gần 2 triệu người Việt. Từ đó, nâng cao nhận thức cho cộng động mạng tại nước ta, bảo vệ người dân tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp tài khoản.

Tôi cảm thấy 24 giờ mỗi ngày là không đủ, khi có quá nhiều thứ cùng cộng sự làm, chỉ mong có nhiều thời gian hơn, làm nhanh hơn để hỗ trợ được nhiều người hơn nữa. Đôi khi những ngày cũ vẫn ám ảnh tôi và khiến tôi suy nghĩ, trải lòng qua những dòng nhật ký. Viết là cách tôi tự vấn và cũng để mình an yên hơn. Trong năm tới, tôi dự kiến xuất bản cuốn sách đầu tay ghi lại những năm tháng “không bao giờ quên” và cách tôi vực dậy chính mình trong những ngày đen tối nhất. Tôi đã từng vấp ngã, sai lầm và trả giá rất đắt, nên đã và sẽ dùng kiến thức công nghệ và khả năng của mình để bảo vệ cộng đồng.

(*) Chuyên gia tại Trung tâm Giám sát và
An toàn không gian mạng Quốc gia (Ka Mi - ghi)

Tháng 11/2021, Ngô Minh Hiếu lập Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội chống lừa đảo (Công ty Chống lừa đảo) phi lợi nhuận tại TP. Thủ Đức, TP.HCM với mục đích phát triển ứng dụng chống lừa đảo trên các trình duyệt web. Nhân sự của Công ty là cộng tác viên làm việc bán thời gian.

Năm 2023, Công ty Chống lừa đảo được vinh danh “Cống hiến vì xã hội” tại giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì.

Trước đó, Nhà mạng Verizon và Apple đã vinh danh Ngô Minh Hiếu khi phát hiện và khắc phục thành công một số lỗ hổng về bảo mật.

Ngô Minh Hiếu (*)