Thời sự

Chuyện người lính năm xưa, giám đốc “Tắc Tị” bây giờ

Phạm Kao Phú (*) 30/04/2024 6:00

Từng là người lính đẫm mồ hôi trên thao trường, đẫm máu trên chiến trường, vẫn tin, khi cố gắng lao động sáng tạo, khi biết “làm dày ăn mỏng” thì thương trường khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua…

taqwsc.jpg

1. Chuyện của năm 1975

Một đêm tháng 2/1975 Đại đội 3 Trung đoàn 19 QK3 chúng tôi tập trung tại sân kho xã Yên Chính huyện Ý Yên, nghe đại đội trưởng tên Sin (họ thì tôi ko nhớ nữa, nguyên là sinh viên đang học Bách khoa xung phong đi bộ đội) quán triệt lần cuối trước khi hành quân đi B:

“Đất nước đang đứng trước thời khắc lịch sử ngàn năm khó gặp, cơ hội tiêu diệt, đánh đuổi kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thế giới giành lại độc lập - tự do và thống nhất đất nước đã điểm, lịch sử đang gọi tên các đồng chí...”.

Sau đó ít phút, đám lính trẻ mới qua chưa đủ 3 tháng quân trường bừng bừng khí thế hành quân về phương Nam với hằng mong, mình sẽ kịp đến với những trận đánh khốc liệt giành từng tấc đất trên từng con đường, cây cầu, góc phố cho chiến thắng vĩ đại mà sau này sử sách gọi tên: “Đại thắng mùa Xuân 1975”.

2. Từ trận đấu giải golf doanh nhân Nam Định năm 2015

- Âu bi (OB) mất rồi! (Out of bound, ám chỉ cú phát bóng dài nhất ra khỏi biên sân của người chơi).

Tôi tiu nghỉu đánh quả dự phòng sau đó xăm xăm tiến lên tìm và thấy trái bóng golf nằm ngay trên đường nối tưởng tượng giữa hai cọc trắng, tôi hô lớn.

- Chưa OB!

Một bạn kêu to:

- Lấy dây căng nhìn cho rõ.

Một giọng khác nhẹ nhàng bảo:

- Khi bạn mình nói chưa OB, ta nên tin là chưa OB.

Tôi quay sang người vừa nói và nhận ra giọng nói quen quen. Ngay lập tức, chúng tôi nhận ra đồng đội của nhau ở đại đội 3 hồi tháng 2/1975 năm ấy.

Tôi hào hứng kể chuyện hồi ấy, tôi đi theo đoàn quân thần tốc tiến về phía Nam nhưng đi tới đâu đã giải phóng tới đó, vô tận TP.HCM mà chưa từng phải bắn một viên đạn nào.

Hắn (cách gọi thân mật của tôi với người bạn đồng đội năm xưa) nói:

- Anh hên! Còn tôi bị điều vào mũi quân bảo vệ Tây Nguyên, tưởng không được đánh đấm gì, ai ngờ ở đấy lại phải chiến đấu với đám tàn quân và lũ phỉ Polpot suốt mấy năm và anh em hy sinh không ít.

Sau này tìm hiểu thêm mới hay, hắn đang là Chủ tịch Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, (thương hiệu Tuvi’s), chuyên xuất khẩu giày qua thị trường châu Âu và trên 50 quốc gia, chinh phục nhiều hãng lớn như: Superga, Edhardy, ATG, William Lamb, Engry... mỗi năm đem về hàng chục triệu USD. Hắn kể:

- Sau khi lập nhiều chiến công lại thêm lý lịch ngon lành, cộng với việc bố mẹ đều tham gia cách mạng từ sớm, cả nội ngoại gia đình tôi cống hiến cho Tổ quốc tới 4 liệt sỹ nên tôi trở thành “hạt giống đỏ gieo đâu cũng nẩy mầm”, được cho đi học sỹ quan Hải quân.Tưởng như con đường thăng tiến sẽ rộng mở thênh thang, đùng một cái, tổ chức gọi lên cho giải ngũ mà không giải thích gì thêm.

Mãi sau này hắn mới biết, khi điều tra lý lịch để kết nạp Đảng, đơn vị mới được Đảng bộ chính quyền địa phương cho hay một thông tin vô cùng bí mật, mật đến nỗi cả anh và bố mẹ anh đều không biết: Một ông bác khác mà tôi chưa từng biết mặt hay nghe tên, là người con thứ của ông nội lại là biệt kích của CIA đã bị an ninh của ta bắt giữ trong vụ án chống gián điệp nổi tiếng với bí số XYZ.

Hắn không biết về đâu? Về quê ư? Họ hàng, láng giềng hỏi thì biết trả lời ra sao? Không cửa để chui, không nhà để trú, không tiền, không quen không biết, không thân với bất kỳ ai ngoài những đồng đội cũ. Đồng đội khi nghe phong phanh “lý lịch” của hắn có vấn đề thì chẳng ai dám gặp, nói gì dám giúp!

Lang thang hết bến tàu, bến xe đến chợ búa, công nông trường làm đủ các loại việc từ khiêng vác, bưng bê, cày bừa, đào đất, lau chùi nhà vệ sinh... miễn sao có cái bỏ miệng để sống. Và hắn đã sống sót, đã dần thoát cảnh ngủ bãi tha ma, làm việc trên bãi rác, cứ lầm lũi từng bước đi lên cho đến ngày có vốn liếng đi học nghề rồi mở một tiệm giày cho riêng mình.

3. “Làm dày” mà “ăn mỏng”

Đó là câu hắn thường nhắc lúc trà dư tửu hậu. Thì ra, “Làm dày ăn mỏng” của hắn chỉ là cách chơi chữ từ “làm giày” của giày dép thành “làm dày” theo ý nghĩa dày dặn, ăn mỏng thì ai cũng hiểu.

Hắn thẽ thọt.

- “Làm dày ăn mỏng” vừa là phương châm kinh doanh vừa là phương cách ứng xử vừa là lối sống của tôi. Ăn mỏng một chút dài lâu hơn!

Làm giày được một thời gian, hắn muốn mở rộng sản xuất nhưng vốn đâu?

Hắn cày cục nhờ cậy người làm hồ sơ vay ngân hàng. Mọi điều kiện mọi quy định của Nhà nước đều đã đáp ứng nhưng nhiều tháng trôi qua ngân hàng vẫn lặng thinh. Sang ngân hàng khác vẫn thế, niềm nở đón tiếp nhưng đọc hồ sơ xong là bặt vô âm tín. Hắn từng nhịn nhục mang quà hậu hĩnh đến gặp thẳng giám đốc nhưng giám đốc xua tay quầy quậy quyết không nhận.

- Không phải quà cáp đâu! Việc của anh... khó... khó... khó nói lắm!

Không ai cho hắn biết khó cái gì, khó ở đâu?

Ơn trời, gặp “quý nhân” phù trợ, công ty hắn đã vượt qua trở ngại và mở thêm công xưởng nhà máy.

Khi thân quen rồi, giám đốc ngân hàng mới bật mí:

- Chồng tên Tắc (hắn tên Trần Văn Tắc) vợ tên Tị (vợ hắn tên Phạm Thị Tị), đọc hồ sơ trang nào cũng thấy chữ ký toàn Tắc Tị với Tị Tắc... bố thằng Tây nào dám cho vay!

Quả thật, tôi nghe cũng muốn cười ra “amoniac”.

Nhờ ngân hàng, “Tắc Tị” đã “khai thông bỉ cực”, liên tục ký thêm hợp đồng, nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền hiện đại, ngỡ đã đến ngày “ngồi rung đùi vuốt râu” thì dịch Covid-19 như sóng thần ập xuống. Sau dịch, công ty hắn hàng tồn kho đầy ứ nhưng vẫn gồng mình trả lương chờ việc hàng chục tỷ đồng mỗi tháng cho hàng chục ngàn công nhân.

Chưa kịp hồi phục sau Covid-19 lại đến trận bão lốc chiến tranh Nga - Ukraina, khiến hắn đang sống dở trở thành chết dở.

Châu Âu hoảng hốt trước mùa Đông thừa khói lửa đạn bom mà thiếu chất đốt. Không mua thêm giày không chết nhưng mùa Đông giá buốt không dầu, không khí đốt sưởi ấm chắc chắn sẽ chết nên chẳng còn ai quan tâm đến xưởng giày dép đang hấp hối ở Việt Nam?

Lại phải gồng mình đánh vật với khủng hoảng kinh tế. Đánh vật với cạnh tranh thương trường. Và lại... tắc tị!

Nhưng không thể dừng. Hắn lại bước vào cuộc chiến tìm thị trường mới, phát triển sản phẩm mới, tìm hướng đi mới... và trầy trật vượt qua để sống sót.

- Khó! Khó thật ông ạ!

Hắn trầm ngâm: “Có lúc thật sự thối chí, nhưng rồi lại cố động viên mình: Có gì đáng sợ hơn lúc vọt ra khỏi chiến hào xung phong giữa làn đạn quân thù? Có gì khó hơn cảnh không đất cắm dùi, không quen không biết ai, không xu dính túi vật vờ nơi đất khách quê người... Thế mà còn vượt qua được thì khó khăn hôm nay đáng gì?”.

Hắn tiếp: “Gần 50 năm qua tính từ đại thắng 1975 đến nay mới nhận ra mình thật ấu trĩ. Cứ ngỡ, khó như đánh bại đế quốc Mỹ hùng mạnh nhất thế giới, còn làm được thì phát triển kinh tế có khó gì? Khi xưa nơi chiến trường mịt mù khói súng, cứ lao lên giữa trăm làn đạn địch lòng vẫn vững tin chiến thắng. Bởi mình biết bên cạnh, sau lưng là đồng đội, là những người sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mình. Còn thương trường hôm nay, mình xông lên mà không thể định đoán, không thể biết có mũi dao nào, của ai bất ngờ đâm lén bên hông không! Mới biết thương trường khốc liệt hơn chiến trường biết bao nhiêu”.

Biết thế, nhưng từng là người lính đẫm mồ hôi trên thao trường, đẫm máu trên chiến trường, là Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, hắn vẫn tin khi cố gắng lao động sáng tạo, khi biết “làm dày ăn mỏng” thì thương trường khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua!

(*) Doanh nhân, nguyên bộ đội Đại đội 3, Trung đoàn 19 QK3

Phạm Kao Phú (*)