Thời sự

Danh tiếng doanh nhân Sài Gòn sau ngày 30/4/1975

Nguyễn Thị Ngọc Hải 30/4/2024 7:00

Không biết có nguồn gốc của “danh gia vọng tộc” truyền lại hay không nhưng rõ ràng có một tầng lớp doanh nhân độc đáo lớn mạnh từ sau khi đất nước thống nhất.

doanh-nahan-the-he-moi.jpg

Sau đây là một ít chuyện mà tôi được trực tiếp biết về tầng lớp doanh nhân độc đáo này.

Giữa năm 1975, chúng tôi có chuyến công tác xuyên Việt bằng ô tô của Báo Phụ nữ Việt Nam. Đến mỗi tỉnh thành, chúng tôi dừng lại ít ngày, phóng viên “đi chớp” không khí đất nước và con người không lâu sau ngày hết chiến tranh, gửi nhanh tin bài về toà soạn, rồi đi tiếp. Từ ven biển miền Trung, chúng tôi lên Đà Lạt rồi xuống TP.HCM và đi tiếp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến TP.HCM, điều lạ nhất đối với tôi khi được ăn sáng bằng tô mì ăn liền. Đang ở Hà Nội ăn độn khoai sắn nay được bát mì chỉ cần chế nước sôi giòn ngon đến… “đứt lưỡi”. Đến bây giờ thì đồ ăn ê hề, tôi vẫn không sao quên được vị ngon của tô mì gói 1975.

Bây giờ, người ta không làm cho gói mì giòn nữa vì nghe đâu như vậy sẽ sinh độc tố. Ngày ấy tôi vui mừng nghĩ, may quá, người Sài Gòn - TP.HCM có những món ăn rẻ tiền mà rất ngon. Nhớ đến tận bây giờ!

Thêm một ấn tượng “bề ngoài” nữa là cách làm ăn “kiểu Sài Gòn” lạ lùng với tôi ngày ấy là hệ thống xe buýt. Người chen chúc lên xuống xe, phụ xe đập cửa hô “Zô Zô” cho người bên đường biết xe sắp ghé bến. Thật lạ, vì Hà Nội chưa có xe buýt mà mới là những chuyến xe điện leng keng, luôn đông đúc người đu bám như bầy ong bám quanh ong chúa.

Tất nhiên ngày đó chúng tôi rất bận rộn đi lùng sục viết về tình hình các nhà máy, xí nghiệp đang phục hồi sản xuất. Sài Gòn - TP.HCM có nhiều doanh nghiệp và nhãn hàng nổi tiếng từ lâu, như gạch bông Đồng Tâm, Đức Tân, bông Bạch Tuyết, dầu cù là Mac Phsu, xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, bút bi BIC… vậy mà “ấn tượng” mì gói và xe buýt ngày ấy để lại thật sâu đậm.

Sau này khi nhiều năm sống tại Sài Gòn - TP.HCM, tôi có dịp biết kỹ một số doanh nhân trưởng thành làm nên thương hiệu mới.

Tôi biết Đặng Lê Nguyên Vũ từ khi thương hiệu Trung Nguyên mới nổi với hệ thống quán cà phê sang trọng và anh được một số tờ báo nước ngoài gọi là “Vua cà phê”, bởi cà phê của anh đã “Go-global” (Đi ra thế giới). Sau rất nhiều biến cố, vừa rồi tôi được lên thăm “Ông vua Cà phê” trong hang đá ở M’Đrắk, Buôn Ma Thuột, sau nhiều năm ông “biến mất”. Nay vẫn là “ông vua” đó, vẫn đầy nhiệt huyết kể chuyện đã làm gì trong hang.

Anh chỉ cho xem những bản thảo để đầy cái bàn lớn - những tư duy thấu ngộ, chịu đựng vượt khó để đóng góp về quy luật, lối sống, cách làm giàu của doanh nhân. Sau bao năm “tu luyện”, anh vẫn giữ nguyên tư chất của một người “thiện lành và nghĩ lớn”.

Theo bảng xếp hạng của Forbes, đến năm 2024, Việt Nam có 6 tỷ phú USD với tổng tài sản 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 12,6 tỷ USD ghi nhận cùng thời gian này năm ngoái. 6 tỷ phú này bao gồm: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco).

Tôi cũng được nhìn thấy những ông bà chủ thương hiệu khác nữa, như: Gốm sứ Minh Long, May An Phước, Trứng gà Ba Huân... mỗi người một vẻ, nhưng điều lớn nhất ở họ là phong cách doanh nhân Sài Gòn - TP.HCM.

Bây giờ chúng ta sống trong sự phát triển thời công nghệ số và nhiệm vụ số hóa và đã hình thành thị trường người tiêu dùng số. Mỗi lần trao danh hiệu “Thương hiệu vàng” hay “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân truyền cảm hứng”... bạn có thể không nhớ hết tên của các vị doanh nhân, bởi nhiều quá! Bây giờ thì nhiều sản phẩm quá, từ may mặc của Việt Tiến, thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, cao su Liên Thành, đến máy móc Duy Khanh, giày dép Biti’s, Bita’s... Chuẩn phấn đấu của doanh nhân trong bao khó khăn sau cả dịch Covid-19 là vừa đạt doanh thu, vừa chăm sóc khách hàng, bảo vệ môi trường, công tác xã hội, tiến lên số hóa…

Chỉ vậy thôi, với tôi - người đã đến Sài Gòn - TP.HCM năm 1975, nay thành công dân ở Thành phố mang tên Bác, trải qua nửa thế kỷ vẫn lắng đọng nét Sài Gòn - TP.HCM trong mỗi việc làm phục vụ cuộc sống đã vượt bậc khác xưa…

Nguyễn Thị Ngọc Hải