Du lịch

Trên một cung đường Hồ Chí Minh

Phương Hà 29/4/2024 6:00

Cái tít ấy có vẻ “cũ”, nhưng qua chuyến đi vừa rồi, tôi cố ý giữ vì muốn ôn lại kỷ niệm những ngày chiến tranh vệ quốc từng lặn lội trên những cung đường Trường Sơn - “cái nền” của tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay.

38-1.jpg
Đường Hồ Chí Minh qua núi rừng Quảng Trị

1. Chắc không nhiều người biết, tên “Đường mòn Hồ Chí Minh” là do Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (Joint Chiefs of Staff - JCS) đặt từ giữa năm 1966. Trong một cuộc họp đủ 8 vị tướng cao cấp nhất của JCS bàn về cách ngăn chặn đường tiếp tế của Vici (Việt Cộng) từ Bắc vào Nam, một đại tướng chỉ lên bản đồ Việt Nam, gọi đó là đường mòn Hồ Chí Minh, và cái tên ấy không chỉ “chết danh” đối với họ.

Có khả năng vị tướng ấy có tin tình báo ngày 19/5/1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam thành lập Đoàn 559 có nhiệm vụ mở tuyến vận tải chiến lược để chuyển vũ khí, lương thực, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam, từ miền Nam ra miền Bắc và chi viện cho lực lượng cách mạng Lào và Campuchia. Có thể viên tướng ấy liên tưởng đến ngày 19/5 là sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên gọi con đường xuyên Trường Sơn là đường mòn Hồ Chí Minh. Như vậy là ta có thêm một cách gọi con đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngoài đường Trường Sơn và đường 559.

38-3.jpg
Hồ thủy lợi Quảng Trị bên đường Hồ Chí Minh với cây phong hương (sau sau) mùa lá đỏ

Trong 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn từ bí mật “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” thành con đường trăm ngã rẽ, không ngừng được kéo dài, mở rộng, vươn tới các chiến trường, những hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn có tổng chiều dài khoảng 17.000km, gồm đường cho xe cơ giới 3.000km (trong đó có cả ngàn kilômet đường kín, xe tải chạy ban ngày máy bay trinh sát đối phương không phát hiện được), đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km cùng với hệ thống đường giao liên, đường sông. Đúng như nhà báo người Mỹ Virginia Louise Morris, tác giả cuốn sách “Đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường dẫn tới tự do”, viết: “Người Việt đã vượt lên người Mỹ về tầm nhìn xa, đã xây dựng một hệ thống đường bộ, đường ống dẫn dầu dọc ngang Trường Sơn về tới Đông Nam bộ... Đó là một công trình khủng khiếp”.

Hai mươi lăm năm sau ngày đất nước thu về một mối, đầu tháng 4/2000, đường Hồ Chí Minh khởi công xây dựng với nhiều giai đoạn, đến giữa tháng 1/2016 nối tuyến từ Pác Bó đến mũi Cà Mau, đi qua 30 tỉnh thành, dài 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km), từ 2-8 làn xe tùy theo địa hình. Nhiều người hỏi, có phải đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An (được coi là cột mốc số 0 của đường Trường Sơn) vào đến Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước làm theo con đường Trường Sơn thời kháng chiến. Thưa, không hẳn. Bởi để đối phó với địch, đường Trường Sơn trăm ngả phải luồn rừng, vượt hàng vạn đèo dốc, sông suối, nếu trên cái nền ấy mà làm đường Hồ Chí Minh - một trong bốn con đường bộ huyết mạch của đất nước (ba con đường khác là quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển) thì vốn đầu tư không chỉ 337.187 tỷ đồng mà phải gấp nhiều lần số tiền đó. Tất nhiên có những đoạn thuận lợi như đoạn qua Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị phải giữ nguyên trạng, chỉ phục chế những nơi bị hư hỏng nhằm ghi nhớ công lao của thanh niên xung phong đội đạn bom đắp nên con đường bằng đá cuội và đá đỏ để giáo dục lớp trẻ về truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm, là con đường du lịch hoài niệm và sinh thái.

“Đường mòn Hồ Chí Minh” là do Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (Joint Chiefs of Staff - JCS) đặt từ giữa năm 1966

2. Trở lại chiến trường xưa trong những ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm 49 năm ngày đất nước thống nhất, cơ may tôi được tháp tùng Trần Xuân Cương - Giám đốc Công ty Du lịch Netin - một chàng trai trẻ vùng đất chang chang cồn cát - đi khảo sát tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Hướng Hoá tỉnh Quảng Trị.

38-4.jpg
Rừng nguyên sinh Lệ Thủy, Hướng Hóa

Rất mừng là Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong 22.200ha ở Lệ Thuỷ vẫn là cảnh “mây choàng qua núi, núi ngồi trong mây” bởi rừng nguyên sinh có cung đường Hồ Chí Minh vắt qua vẫn tươi xanh rừng nguyên sinh với gấu, bò tót, sơn dương, khỉ, vượn, chim… yên tâm sống và phát triển. Vùng đệm khu dự trữ thiên nhiên này có 5 bản với hơn ngàn đồng bào Bru-Vân Kiều, Pa Kô (nhóm địa phương của dân tộc Tà Ôi) sinh sống, đã ý thức được việc bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống của chính họ nên chỉ lấy dây mây bán và cây nhỏ làm nhà.

Luồn rừng thăm cây, tắm suối, bạn và tôi có thể tìm hiểu tập tục “đi sim” - một nét văn hóa lâu đời của người Pa Kô nơi Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. “Đi sim” là cách các chàng trai, cô gái tìm hiểu, hẹn ước. Nơi “đi sim” là cái chòi được cha mẹ các cô gái dựng lên, cách bản không xa nhưng kín đáo. Khi “đi sim”, cô gái thường đi trước, mang theo giỏ mây đựng cơm nếp, cá nướng, chàng trai đến sau, mang theo chuỗi cườm hay vòng bạc làm vật ngỏ lời. Trò chuyện, nếu thấy ưng, cô gái mời chàng trai lên chòi thưởng thức những món ăn mang theo, rồi cùng nhau qua đêm nhưng không được đi quá giới hạn, nếu không gia đình, họ tộc sẽ bị phạt bằng nhiều trâu, bằng nhiều rượu. Cũng có bản, đồng bào Pa Kô làm một “nhà sim” khá lớn bằng tranh tre cho nhiều đôi trai gái hẹn hò cùng lúc. Người Pa Kô luôn tự tin và hạnh phúc với tình yêu mình tìm được nhờ “đi sim”.

Xuôi về Nam theo cung đường Trường Sơn xuyên qua ranh giới hai huyện, sẽ gặp dãy núi Chênh Vênh với chênh vênh ba đỉnh Sa Mù, Voi Mẹp, Ku Vơ ngàn bảy mét cao - nơi du khách du lịch mạo hiểm thích thú chụp ảnh “tự sướng” bằng smartphone hay dùng flycam săn mây chập chùng ngay trong mùa hè gió Lào rát bỏng. Gần đó là đèo Lập Công - nơi ghi dấu bộ đội và thanh niên xung phong đánh thắng nhiều đợt máy bay Mỹ đánh phá đường Trường Sơn.

38-5.jpg
Một góc thị trấn Hướng Hóa ngày nay

Rừng già Chênh Vênh có hai sản vật mà ít du khách ngờ tới, đó là măng đắng y hệt măng đắng Lào Cai và mật ong đắng y hệt mật ong đắng Kon Tum bởi ong hút nhuỵ hoa sâm Ngọc Linh. Dân vùng đất giáp ranh hai huyện Lệ Thuỷ và Hướng Hóa gọi tre đắng là tre một bởi mỗi cây chỉ mọc một búp măng, lại đâm lên mặt đất khá xa cây mẹ; gọi sâm Ngọc Linh là sâm Khu 5 bởi trong chiến tranh, loại sâm quý nhất thế giới này chỉ có ở Khu 5, đã cứu sống bao cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong ở chiến trường Trường Sơn, trong đó có tôi, bây giờ đã được trồng dưới tán rừng cùng độ cao với dãy núi Ngọc Linh.

Trên cung đường Trường Sơn này có một nơi khá đặc biệt nữa, đó là Trạm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ Bắc Hướng Hóa - một điểm du lịch sinh thái thú vị bởi Trạm là nơi nhân giống (bằng cấy mô là chính) nhiều loại phong lan rừng Trường Sơn và các loại hoa quả quý hiếm. Ở đây, tôi đã găp kỹ sư Hồ Văn Tày, người Bru - Vân Kiều, một chàng trai trẻ lanh lợi, lém lĩnh đang dành tiền lương nuôi ba em học đại học ở Huế. Nếu tôi và du khách theo lời mời về bản Mơ Lai-Pun của anh chơi, chắc được khám phá, trải nghiệm nhiều điều mới lạ không thua tập tục “đi sim”.

38-6.jpg
Kỹ sư Hồ Văn Tày, người Bru - Vân Kiều

Huyện Hướng Hóa với thị trấn Khe Sanh dọc hai bên đường 9, không xa Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, với tôi, dù mới xa mấy năm, hôm nay trở lại đã thấy lạ. Lạ không chỉ với mức độ “hiện đại” của vùng đất từng có sân bay Tà Cơn của Mỹ khống chế đường 9 - Nam Lào, bị quân Giải phóng đánh chiếm 1968, vùng đất từng là rừng rậm, từng là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh giữ nước nửa thế kỹ trước, còn lạ bởi những người trẻ như Hồ Văn Tày, như cô gái Thuỳ Trang chủ vườn hồng Trosie Garden bên một hồ nước tự nhiên nhiều hécta đang thu hút khá đông du khách, như cô gái Thy Phương chủ Khu Du lịch sinh thái mini Valley Farm chập chùng, chênh vênh hai sườn đồi, ban đêm ánh điện giăng mắc như một vệt sao trời, đó là vợ chồng Lý - Luận, chủ trang trại cà phê Arabica, là điểm du lịch trải nghiệm hút khách... Họ là lớp trẻ của vùng chiến địa xưa, văn minh, hiện đại không thua trai tài gái sắc Hà Nội hay TP.HCM. Họ là kết quả của cái giá độc lập, tự do mà cha ông phải trả suốt 30 năm đánh giặc giữ nước, là kết quả của gần 40 năm đất nước hội nhập với thế giới…

Phương Hà