Trong nước

Giá gạo xuất khẩu tăng 24%, nhưng còn nhiều thách thức

Hạo Hiển 27/04/2024 16:36

Ngoài giá gạo tăng, lượng và kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng tốt, tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo quý I tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; Indonesia đứng thứ 2, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023; Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý I/2023.

Tại "Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới", ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, mặc dù hoạt động thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực.

"Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính", ông Sơn nói.

nhieu-tin-hieu-lac-quan-cho-hoat-dong-xuat-khau-gao-nam-2024-cua-viet-nam_65dff70c33e61.jpg

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Sơn cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế; thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững; công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng...

Sự vận dụng những cải cách tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (xuất khẩu gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng) để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này còn rất hạn chế. Từ khi ban hành đến nay, xuất khẩu chủng loại gạo này vẫn đang do các thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện.

Ngoài ra, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Pakistan...

Đánh giá một số yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Sơn cho rằng, tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, dự kiến thời gian tới cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024.

Những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt tại khu vực châu Âu và Trung Đông, căng thẳng Biển Đỏ gây ảnh hưởng tới tâm lý giao thương, quá trình giao nhận, chi phí vận chuyển...

Hạo Hiển