Quốc tế

Nhật Bản lo ngại khi đồng yên liên tục mất giá

Văn Phúc 27/04/2024 19:11

Đồng yên của Nhật Bản đã giảm mạnh, cán mức 156 đổi 1 USD vào ngày 26/4, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này giữ nguyên chính sách tiền tệ, làm tăng mối lo ngại về sự can thiệp từ Chính phủ.

Đồng yên giảm xuống mức 156,81 đổi 1 USD, trong lúc cuộc họp báo được theo dõi chặt chẽ của Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda kết thúc. Đồng yên đã trượt dốc, kể từ cuộc họp chính sách tiền tệ trước đó của Ngân hàng Trung ương.

assets.bwbx.io-images-users-iqjwhbfdfxiu-icw2kympinvs-v1-_1x-1.jpg
Đồng yên liên tục mất giá thời gian qua - Ảnh: Bloomberg

Bà Joey Chew, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối châu Á tại HSBC cho biết: “Thị trường có thể thất vọng, vì thiếu thông tin chi tiết về quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật, liên quan tới việc mua trái phiếu.”

Ngân hàng Trung ương Nhật không thực hiện bất kỳ thay đổi nào, liên quan đến việc mua trái phiếu. Bước vào cuộc họp, một số nhà phân tích dự đoán, cơ quan này có thể giảm mua trái phiếu Chính phủ, để ngăn sự mất giá của đồng yên.

Ông Masamichi Adachi, nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản tại UBS Securities, và là cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật cho biết, Bộ Tài chính khả năng cao sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối, để mua đồng yên và bán USD.

Chuyên gia Shoki Omori, trưởng bộ phận chiến lược tại Mizuho Securities nói: “Động thái giảm giá đồng yên hôm nay là một cú sốc. Nhưng động thái này diễn ra từ từ, đó không phải là lý do để Bộ Tài chính can thiệp.”

Tuy nhiên, khi xem xét việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm, chuyên gia này nhận định, sự can thiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Quả bóng đang ở trong chân đồng USD. Sự can thiệp có thể sẽ không hiệu quả vì đồng USD hiện quá mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm 24/4 cho biết, ông đang theo dõi diễn biến thị trường với tinh thần hết sức khẩn trương, cho thấy một động thái can thiệp có thể sắp diễn ra.

Tuần trước, các lãnh đạo tài chính Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại, về sự sụt giá đồng yên và đồng won, ám chỉ hai nước châu Á đã sẵn sàng can thiệp.

Theo ông Shusuke Yamada, chiến lược gia ngoại hối tại “Bank of America Securities”, tâm lý lo ngại của công chúng liên quan đến đồng yên yếu, là lý do khiến Chính phủ có thể vào cuộc.

Ông chia sẻ tiếp: “Có thể dẫn tới rủi ro về chính trị, nếu đồng yên suy yếu hơn nữa so với USD. Mối lo ngại của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, về sự sụt giảm của đồng yên, gợi ý rằng đồng yên tiếp tục yếu đi có thể làm giảm tâm lý của người tiêu dùng, do lạm phát nhập khẩu cao hơn.”

Ông Hirofumi Suzuki, chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Sumitomo Mitsui, nằm trong số các nhà phân tích dự đoán đồng yên sẽ tiếp tục yếu, do nền kinh tế Mỹ vững mạnh.

Ông nói tiếp: “Các chỉ số kinh tế của Hoa Kỳ, như tiêu dùng cá nhân, tác động đến đồng yên. Chúng có thể làm đồng yên suy yếu hơn nữa. Trong tuần tới, đồng yên có thể tiếp tục đi xuống, do dữ liệu kinh tế của Mỹ, trong bối cảnh thị trường Nhật Bản đóng cửa để nghỉ lễ.”

Theo số liệu công bố hôm 25/4, mặc dù tổng sản phẩm quốc nội trong quý đầu tiên của Hoa Kỳ hạ nhiệt, nhưng nền kinh tế vẫn tăng với tốc độ vững chắc.

Văn Phúc