Doanh nhân xưa

Doanh nhân Nguyễn Háo Vĩnh: Người có công trong ngành xuất bản và khai mở dân trí

Thanh An (tổng hợp) 27/4/2024 6:30

Từng tham gia du học tại Nhật Bản theo phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, doanh nhân Nguyễn Háo Vĩnh sau khi về nước đã tham gia tích cực vào hoạt động kinh tài của Hội Minh Tân. Về sau, ông còn tích cực tham gia vào lĩnh vực xuất bản khi thành lập Nhà in Xưa Nay, cũng như trở thành một nhà báo luôn tung hô mở mang dân trí cho người Việt bằng chữ Quốc ngữ.

Kỳ 2: Chủ nhà in Xưa Nay và cuộc vận động khai mở dân trí bằng chữ Quốc ngữ

36-duong-bonard-thap-nien-1920-1929-noi-dat-nha-in-xua-nay-cua-nguyen-hao-vinh-nguon-flickr.com-.jpg
Đường Bonard thập niên 1920-1929, nơi đặt Nhà in Xưa Nay (Nguồn flickr.com)

Từng tham gia du học tại Nhật Bản theo phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, doanh nhân Nguyễn Háo Vĩnh sau khi về nước đã tham gia tích cực vào hoạt động kinh tài của Hội Minh Tân. Về sau, ông còn tích cực tham gia vào lĩnh vực xuất bản khi thành lập Nhà in Xưa Nay tại Sài Gòn, cũng như trở thành một nhà báo luôn hô hào mở mang dân trí cho người Việt bằng chữ Quốc ngữ.

Khi trở lại Sài Gòn làm báo và tham gia vào ngành xuất bản in ấn của Nam kỳ lúc bấy giờ, với bút danh Hốt Tất Liệt, ông được giới báo chí Nam kỳ biết đến là người sáng lập của Hoàn Cầu Tân Văn và Nam Kỳ Kinh Tế Báo. Dưới bút hiệu này, ông đã mở cuộc bút chiến với Lê Hoằng Mưu, chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, khi ông này cho ra đời cuốn tiểu thuyết Hà Hương Phong Nguyệt với bút hiệu là Mộng Huê Lầu. Nhà nghiên cứu Phan Lương Minh cho biết: “Hốt Tất Liệt, lên án Hà Hương Phong Nguyệt là một cuốn dâm thơ với những đoạn tả cảnh giao hoan sống sượng và bản thỉu, làm tổn thương danh dự của người cầm bút và gieo nọc độc vào đầu óc thanh niên. Mộng Huê Lầu, chỉ nguỵ biện để cầm cự cho nó có chừng. Độc giả hưởng ứng làm hậu thuẫn cho Hốt Tất Liệt gây một dư luận mãnh liệt đòi đốt Hà Hương Phong Nguyệt. Thực dân buộc lòng phải chiều theo dư luận quần chúng, ra lệnh tịch thâu Hà Hương Phong Nguyệt, chất thành đống rồi hoả thiêu. Hốt Tất Liệt toàn thắng và văn hóa dân tộc đã thắng với sự trợ lực của những gì còn lành mạnh của dân tộc”.

Ngoài ra, Nguyễn Háo Vĩnh còn bút chiến với Phạm Quỳnh trong vấn đế sử dụng chữ Hán trong văn chương Quốc ngữ. Theo lời kể của Nam Đình, chủ bút nhật báo Đuốc Nhà Nam cho biết: “Tôi thú thật là không hề quen biết ông Nguyễn Háo Vĩnh, chỉ nhớ mang máng rằng có đọc ở Nam Phong một bài của ông chê ông Phạm Quỳnh dùng chữ Nho quá nhiều trong văn chương Quốc ngữ. Ông Phạm Quỳnh cũng có trả lời và cố nhiên là cách đây trên 40 năm nhiều người về phe ông Phạm Quỳnh và còn cho là ông Nguyễn Háo Vĩnh háo thắng, gây sự với nhà “học phiệt” để có chút tên tuổi với đời. Tôi có dè đâu ngay từ hồi đó, Nguyễn Háo Vĩnh đã là một nhân vật đáng kể cả về học thức, chí khí lẫn thành tích cách mạng của ông”.

Để thuận lợi cho việc làm báo, Nguyễn Háo Vĩnh còn thành lập Nhà in Xưa Nay tại số 62-64 đường Bonard (nay là đường Lê Lợi, TP.HCM). Theo sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà in Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh là một nhà in có bề thế ở Sài Gòn trước năm 1945. Nhà in Xưa Nay cùng Nguyễn Háo Vĩnh có công trong việc chấn hưng ngành xuất bản ở miền Nam. Điển hình như ông đề nghị cách viết bỏ gạch nối nơi những từ kép trong Quốc ngữ và viết liền nhau, thí dụ chí sĩ thay vì chí-sĩ, tinh thần thay vì tinh-thần...

Logo Nhà in Xưa Nay có thiết kế hình tròn với hình tượng Đức Phật ngồi trên hoa sen, bên trên có hàng chữ Nhà In Xưa Nay. Những sách được Nhà In Xưa Nay cho ra mắt thường là những sách có giá trị, trình bày có mỹ thuật và in đẹp. Cũng có khi Nhà in không ngại bỏ thêm công để giúp thêm phần diễn giải hoặc sửa lỗi để quyển sách được hoàn chỉnh. Từ Nhà in Xưa nay, Nguyễn Háo Vĩnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang chữ Quốc ngữ như: Chú lái buôn thành Venice, Thái từ Hamlet, Romeo và Juliet, Vậy thì vậy…. Đây là những tác phẩm kịch nghệ của đại danh hào William Shakespeare. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm khác như Chuyện vạn quốc (1924), Anh hùng hào kiệt thành Roma ngày xưa (1928), Càn khôn Lý học sơ giải, Đại Nam Quốc sử Diễn ca, Truyện Kiều (1938) đều được Nhà in biên dịch và xuất bản.

36-sach.jpg

Đặc biệt, tác phẩm Cách vật trí tri I, II do Nguyễn Háo Vĩnh dành nhiều tâm quyết thực hiện còn nhận được giải thưởng của Hội Khuyến học Nam Kỳ năm 1922. Tác phẩm này về sau trở thành quyển sách khoa học thường thức phổ thông viết bằng chữ Quốc ngữ có lẽ sớm nhất trong loại sách giáo khoa khi chữ Quốc ngữ được dùng trong các trường tiểu học thời Pháp thuộc. Đây được xem là thành tựu nổi bật của Nguyễn Háo Vĩnh khi nó đóng góp rất lớn cho ngành xuất bản và giáo dục của Nam Kỳ xưa.

Nhà in Xưa Nay vẫn tích cực hoạt động cho đến năm 1945, 4 năm sau khi Nguyễn Háo Vĩnh mất thì vợ ông đã cho ông Đỗ Ngọc Quang thuê và sau đó ông Quang đã lên đường tham gia kháng chiến và mang theo toàn bộ máy móc Nhà in Xưa Nay vào chiến khu. Về sau không có bất kỳ thông tin nào về hoạt động của Nhà in Xưa Nay.

Về phần ông Nguyễn Háo Vĩnh, khi sự nghiệp lẫn gia đình đều viên mãn, ông đã thọ pháp, tu theo pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh. Ông cho xây một nhà đàn bằng gạch ngói, rộng mỗi bề 10m, dưới có bậc tam cấp bằng đá xanh, trên có gác lửng bằng gỗ để làm chỗ thờ. Nhà đàn mang tên là Trước Tiết Tàng Thơ, được cất trên một gò đất giữa thửa ruộng ruộng 5 mẫu tại Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP.HCM bên cạnh một nhánh nhỏ của rạch Cá Trê đổ ra sông Sài Gòn. Thuở ấy chỉ dùng nước từ ghe chở tới bán, mỗi lần yêu cầu ghe chở nước đến đổ đầy các lu vú xếp vòng quanh 3 cạnh nhà đàn, có thể lên đến 30 lu. Phía sau nhà đàn (phía lộ, vì mặt tiền nhà đàn hướng về con rạch, mặt hậu đưa về mặt lộ) có nhà sàn ván, cột gạch làm chỗ cho đạo hữu nghỉ.

Mỗi 5-6 giờ chiều thứ bảy, Nguyễn Háo Vĩnh thường đưa các con qua nhà đàn rồi cùng Trương Duy Toản và các đồng đạo hầu đàn cầu cơ, đến sáng thứ hai mới trở về đường Bonard. Ông chính thức thọ pháp vào ngày 29/7/1934 và dành những năm cuối đời tu nghiệp Cao Đài. Đến ngày 11/8/1941, Nguyễn Háo Vĩnh mất, hưởng dương 48 tuổi. Ông được liệm và chôn cất theo nghi thức của đạo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh. Mộ phần hình lục giác có dạng cái tháp tại đàn Trước Tiết Tàng Thơ, Thủ Thiêm, Thủ Đức, nay là phường An Khánh, quận 2, TP.HCM.

Thanh An (tổng hợp)