Dốc sức gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt
Là chủ đề tọa đàm do Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức vào chiều 26/4 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các chuyên gia về thuỷ sản và đông đảo bà con ngư dân ở Thanh Hoá...
Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Đoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC) chuẩn bị sang thanh tra lần thứ 5 về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây. Hiện Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn sang Bỉ để làm việc với EC về kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam và kế hoạch EC sang thanh tra.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Lê Đức Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cho biết, buổi tọa đàm sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thủy sản, giúp bà con ngư dân nắm chắc các quy định của pháp luật về biển đảo, thủy sản, từ đó chấp hành tốt các quy định, góp phần sớm gỡ thẻ vàng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Trong buổi tọa đàm, PGS-TS. Vũ Thanh Ca - Nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, cho biết, do có thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU liên tục bị sụt giảm, với mức giảm khoảng từ 6% - 10% mỗi năm. Thời gian ngắn nữa đoàn công tác EC sẽ sang Việt Nam để tiếp tục kiểm tra việc thực thi các khuyến nghị của EC.
Vì thế, theo ông Ca, nếu Việt Nam thực hiện tốt các khuyến cáo, thẻ vàng sẽ bị xóa. Ngược lại, nếu vẫn còn tình trạng vi phạm, sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, bị cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu, nếu vậy, ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất khoảng 500 triệu USD mỗi năm.
Nhìn về mặt tích cực, ông Ca cho biết, thẻ vàng EU là động lực giúp chúng ta có những bước tiến quan trọng trong quản lý nghề cá. Bởi hiện nay, chúng ta đang đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản cho phép khai thác.
“Chúng ta khai thác cả những loài hải sản khi chúng còn rất nhỏ. Khai thác như vậy thì còn đâu hải sản để chúng ta đánh bắt”, ông Ca trăn trở.
Nên theo ông Ca, việc thực hiện các khuyến cáo của EC không những giúp chúng ta tránh được những thiệt hại về xuất khẩu hải sản, nâng cao vị thế quốc gia, còn giúp chúng ta khôi phục lại nguồn lợi hải sản.
Còn theo TS. Nguyễn Việt Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ sản Việt Nam, đánh giá, việc tháo gỡ thẻ vàng là việc cấp bách, quan trọng nhưng phát triển bền vững là chiến lược lâu dài, cơ bản.
Theo ông Thắng, tình hình chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng đến nay đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, đặc biệt là vấn đề vi phạm vùng biển nước ngoài cần có giải pháp triệt để khắc phục.
“Vừa qua, chúng tôi đã tham dự cuộc họp với hội thuỷ sản các địa phương, trong đó có Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau. Các ý kiến đều chỉ ra rằng để giải quyết được thì vấn đề mấu chốt là xuất phát từ người dân. Chính người dân họ biết được người nào chuẩn bị đi khai thác vùng biển nước ngoài”, ông Thắng nói. Đồng thời ông Thắng cũng cho rằng, cần giao Hội thuỷ sản địa phương bám sát việc thực hiện các kế hoạch, giải pháp chống tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài.
Sau khi nghe các ý kiến tham luận tại toạ đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản, cho biết, mục tiêu trước mắt là gỡ thẻ vàng IUU, nhưng về lâu dài vẫn cần phải xây dựng uy tín, thương hiệu cho thuỷ sản Việt Nam.
“Với các giải pháp đề cập trong toạ đàm, chúng tôi rất tán đồng. Ngoài ra, hiện Chính phủ đã có quyết định số 208 về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Khi chúng ta làm được điều này thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Tuấn chia sẻ.
Sau phần toạ đàm, Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ trao tặng 200 phần quà cho ngư dân. Ban Tổ chức cũng trao tặng 25 suất học bổng, mỗi suất trị giá hơn 2 triệu đồng dành tặng các em học sinh ở các gia đình bà con ngư dân vượt khó học giỏi, cũng như có thêm 1 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng cho 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có điểm tiếng Anh cao nhất.
Chiều cùng ngày, tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy Viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”; cùng với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Báo Pháp Luật TP.HCM đến thăm, trò chuyện, động viên và tặng quà cho một số hộ gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
Đoàn công tác cũng ghé thăm, chia buồn, động viên một số gia đình ngư dân ở huyện Quảng Xương không may gặp nạn trong vụ đắm tàu tại vùng biển Quảng Ninh, khiến 4 ngư dân tử vong.