Chuyện làm ăn

Thủ tục hải quan về xuất, nhập khẩu hàng hóa còn nhiều vướng mắc

Tâm An 26/04/2024 17:20

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực thi các chính sách thuế và chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp Cục Hải quan Thành phố vừa tổ chức sáng 25/4 , đại diện Công ty Ajinomoto nêu vướng mắc thủ tục hải quan liên quan Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, công ty nộp đầy đủ hồ sơ theo phương thức kiểm tra giảm (bản tự công bố sản phẩm và HACCP) cho cơ quan hải quan.

Tuy nhiên, cơ quan hải quan vẫn yêu cầu công ty thực hiện thủ tục hải quan đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm theo phương thức thông thường. Lý do là không có thông báo của cơ quan kiểm tra chuyên ngành về danh mục sản phẩm, hàng hoá và danh sách tổ chức, cá nhân được áp dụng phương thức kiểm tra giảm.

Trả lời trường hợp Ajinomoto, theo Cục Hải quan Thành phố, trước đây, các Bộ thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu trên hệ thống riêng, cơ sở dữ liệu bị phân tán, cơ quan hải quan không đủ cơ sở dữ liệu để lựa chọn ngẫu nhiên lô hàng để kiểm tra theo quy định nêu trên.

Do vậy, trong thời gian vừa qua Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản trao đổi với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục thông báo kết quả kiểm tra an toàn nhà nước về an toàn thực phẩm trên cổng thông tin 1 cửa quốc gia; đồng thời cung cấp danh sách các lô hàng của các tổ chức, cá nhân thuộc diện trên.

z5382057048014_180758d914e8e60a377f09ee5c65acb9.jpg
Lãnh đạo Cục hải quan TP.HCM trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp cũng nêu thắc mắc về Thông tư 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và chế độ báo cáo định kỳ; cũng như kiến nghị của doanh nghiệp đề xuất báo cáo đại lý hàng quý qua email hoặc online.

Trước thắc mắc của các doanh nghiệp về thủ tục, cách thức làm việc khi có vấn đề phát sinh cần giải quyết, ông Vương Tuấn Nam - Trưởng Phòng giám sát quản lý - Cục Hải quan TP.HCM đưa ra “nguyên tắc”. Đó là khi có vấn đề phát sinh, doanh nghiệp phải chủ động phải chủ động làm việc với cán bộ công chức ở vị trí đó. Đồng thời, doanh nghiệp phải chuẩn bị lập luận, hồ sơ chứng từ để cung cấp cho cán bộ giải quyết. Trường hợp cấp công chức chưa giải quyết được thì ở lãnh đạo đội, nếu ở cấp lãnh đạo đội thì gặp lãnh đạo các chi cục.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp- Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cũng khẳng định, Hải quan TP.HCM sẽ đồng hành với doanh nghiệp, phải là người bạn, là người hướng dẫn giải thích để doanh nghiệp biết chuẩn bị hồ sơ cho tốt, phải đứng vào vị trí doanh nghiệp để hiểu cái khó của họ. "Một container hàng mà để một tuần mới giải quyết thì tiền kho bãi của doanh nghiệp tốn quá nhiều. Làm như vậy sẽ “chết” tiền của doanh nghiệp” , ông Nghiệp nhấn mạnh.

Ông Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp, khi gửi câu hỏi phải nêu rõ đầu mối liên hệ là ai vì hiện tại 95% văn bản Cục Hải quan TP.HCM nhận từ các doanh nghiệp nhưng không biết đầu mối là ai, gây khó khăn cho quá trình xác minh, trả lời.

Tâm An