Trong nước

Luật PPP chưa rõ ràng, nhà đầu tư thiệt thòi

Hồng Nga 26/04/2024 15:20

TP.HCM đang kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thế nhưng Luật PPP hiện có nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn và gây bất tương xứng khi áp dụng thực tế.

Vẫn còn thách thức

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, được xem là điểm đến được nhiều nhà đầu tư tiềm năng “chọn mặt gửi vàng”, TP.HCM đang được triển khai nhiều cơ chế đặc thù tương thích với quy mô và định hướng phát triển của Thành phố.

dien-dan.jpg
Toàn cảnh diễn đàn

Chia sẻ tại Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư cho nhà đầu tư tại TP.HCM tổ chức ngày 24/4, TS.Trần Du Lịch cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố đã kêu gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó, 41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế theo Nghị quyết 181/NQ-HĐND; 5 dự án BOT công trình giao thông đường bộ hiện hữu và 8 dự án khác thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao vừa được TP.Thủ Đức kêu gọi vốn đầu tư ngày 17/4 vừa qua.

TP.HCM cũng rất nỗ lực thực hiện hoá các quy định tại Nghị quyết 98 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, quá trình kêu gọi, triển khai các dự án PPP đang gặp một số vướng mắc như thiếu hướng dẫn cụ thể cũng như các vấn đề liên quan đến tính phù hợp của hình thức PPP đối với một số dự án.

Cùng nhận định này, ông Ngô Thanh Tùng - Luật sư thành viên Công ty Luật Quốc tế Hồng Đức (VILAF), Trọng tại viên trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang theo đuổi PPP như một lựa chọn chiến lược để huy động đầu tư tư nhân và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công.

Tuy nhiên, việc thực hiện PPP ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trở ngại, dẫn đến số lượng dự án thành công thấp và khối kinh tế tư nhân còn dè dặt, đặc biệt là những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng, muốn tham gia nghiêm túc.

“Một trong những thách thức trong việc thực hiện PPP ở các nước đang phát triển là thiếu khung pháp lý và quy định rõ ràng và nhất quán xác định vai trò, trách nhiệm và quyền của các đối tác nhà nước và tư nhân, cũng như các thủ tục, tiêu chí và cơ chế lựa chọn, thẩm định, phê duyệt, mua sắm, quản lý hợp đồng, giám sát và đánh giá dự án. Bên cạnh đó, vấn đề về năng lực thể chế và nguồn nhân lực của khu vực công cũng là một yếu tố làm cản trở sự thành công của các dự án PPP”, ông Thành Tùng nhận định.

Cụ thể hơn, PGS. TS. Dương Đăng Huệ - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh khẳng định, Luật PPP hiện nay đang có nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn và gây ra sự bất tương xứng khi áp dụng trên thực tế.

Cụ thể, hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm của nhà nước khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cơ chế cho việc phân chia lợi nhuận rủi ro chưa thực sự công bằng và gây tốn kém thời gian cho nhà đầu tư; nhà đầu tư không được tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, kinh doanh dự án PPP...

“Với nhà đầu tư, những thiếu sót này đã khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, mất đi tính cân bằng về quyền, lợi ích với cơ quan nhà nước khi thực hiện dự án”, ông Đăng Huệ nhấn mạnh.

tran-du-lich.jpg
TS.Trần Du Lịch cho biết các dự án PPP đang gặp vướng mắc

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Theo các chuyên gia, để kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP thành công, cần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý.

Ông Thanh Tùng cho rằng, để cải thiện tình hình, vượt qua những thách thức này và nắm bắt cơ hội của các dự án PPP trong các lĩnh vực xã hội, Chính phủ, khu vực công và cả khu vực tư nhân cần áp dụng một số biện pháp cụ thể.

Chẳng hạn như xây dựng và áp dụng các phương pháp và chỉ số phù hợp, tham gia và tham vấn với các bên liên quan, cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ tài chính và phi tài chính, lồng ghép và điều chỉnh các dự án PPP trong các lĩnh vực xã hội với các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia và địa phương, bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các dự án PPP trên địa bàn xã hội.

PGS.TS. Dương Đăng Huệ cũng đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao vai trò và bảo vệ nhà đầu tư hơn.

Cụ thể, Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát thực hiện Luật PPP và trong khi chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP.

Bên cạnh đó, “các cơ quan ban ngành liên quan cũng cần có sự tổng hợp liên tục các vướng mắc, bất cập để đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các vấn đề của họ. Có như vậy, dự án PPP mới thu hút được các nguồn đầu tư mới, có nhiều cải thiện hơn và triển khai hiệu quả hơn”, ông Đăng Huệ nêu ý kiến.

Theo bà Nguyễn Thị Linh Giang - Chánh Văn phòng PPP Cục Quản lý Đấu thầu (Kế hoạch và Đầu tư), từ khi Luật PPP ra đời và có hiệu lực vào năm 2021, có 36 dự án được triển khai theo hình thức PPP, trong đó, đa phần các dự án được thực hiện dưới dạng hợp đồng BOT (28/36 dự án), còn lại các dự án được thực hiện dưới dạng BLT, BOO và 1 dự án triển khai dưới dạng hợp đồng O&M.

Điều này có thể khẳng định mức độ ưa thích của nhà đầu tư khi lựa chọn loại hợp đồng. Bà Linh Giang cũng khẳng định cần có hợp đồng mẫu nhằm hướng tới hài hoà mối quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa khu vực công - tư.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng hợp đồng mẫu như thế nào để phù hợp với từng lĩnh vực, tương ứng với nhu cầu của từng ngành. Vì chỉ có như vậy, hợp đồng mẫu mới phát huy tác dụng triệt để - là một công cụ để làm rõ quyền, lợi ích, nghĩa vụ, tạo căn cứ để phòng ngừa những rủi ro, xây dựng phương án xử lý hiệu quả cho từng trường hợp.

Hồng Nga