Quốc tế

Áp lực đồng nội tệ giảm giá trị thúc đẩy Indonesia tăng lãi suất

Nguyên Phước 26/04/2024 09:03

Ngân hàng Trung ương Indonesia vừa tăng lãi suất thêm 0,25%, lên 6,25%, khi cố gắng vực dậy đồng rupiad đang giảm giá trị.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo nói với các phóng viên: “Việc tăng lãi suất này, nhằm củng cố sự ổn định của tỷ giá hối đoái, trước tác động của rủi ro toàn cầu đang ngày càng tồi tệ.”

storage.googleapis.com-flip-prod-mktg-strapi-media-library-indonesian_money_d0c7045374-_indonesian_money_d0c7045374.png
Đồng rupiad đang giảm giá trị từ đầu năm tới nay - Ảnh: Flip

Theo ông Warjiyo, tăng lãi suất là bước đi phòng ngừa, hướng tới tương lai đảm bảo lạm phát nằm trong phạm vi mục tiêu, từ 1,5% đến 3,5% trong năm 2024 và 2025.

29 trong số 35 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters đã dự báo rằng, Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6% - mức cao nhất từ tháng 6/2019. Sáu nhà kinh tế trong cuộc thăm dò dự đoán lãi suất sẽ tăng thêm 0,25%.

Ngân hàng Trung ương Indonesia tổ chức họp chính sách tiền tệ hàng tháng. Tháng 10/2023, họ đã nâng lãi suất lần đầu tiên sau 8 tháng, lên 6% từ mức 5,75%. Từ đó đến trước ngày 24/4/2024, không có thêm đợt tăng lãi suất nào nữa.

Quyết định mới nhất được đưa ra, trong bối cảnh đồng rupiah đang suy yếu, chạm mức thấp nhất trong 4 năm vào tuần trước. Hiện nay, đồng tiền này vẫn ở gần mức thấp kỷ lục đó, với tỷ lệ 16.000 đổi 1 USD. Sức mạnh của đồng USD và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trì hoãn cắt giảm lãi suất, đang gây áp lực với đồng rupiah.

Thống đốc Warjiyo cho biết thêm, việc tăng lãi suất sẽ ổn định đồng rupiah ở mức 16.200 đổi 1 USD trong thời gian còn lại của quý 2/2024, tăng lên 16.000 đổi 1 USD trong quý 3/2024, và tăng tiếp lên 15.800 đổi 1 USD trong quý 4/2024.

Đồng rupiah đã tăng nhẹ lên mức 16.140 đổi 1 USD sau thông báo của Ngân hàng Trung ương, từ mức 16.165 trước đó.

Theo ông Warjiyo, Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục đảm bảo sự ổn định của đồng rupiah, bằng khả năng can thiệp ngoại hối và các biện pháp khác nếu cần thiết.

Lạm phát cũng là yếu tố làm đồng rupiah yếu. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia cho thấy, lạm phát hàng năm đạt 3,05% trong tháng 3/2024, tăng từ mức 2,75% của tháng trước đó. Về GDP, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng 5,2% trong năm nay.

Nguyên Phước