Trong nước

Nhiều giải pháp xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM

Khánh Hưng 25/04/2024 13:33

Sáng ngày 25/4, hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM - Động lực mới cho phát triển bền vững” thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu, khách mời. Nhiều đề xuất, đóng góp ý tưởng về cơ chế vận hành Trung tâm ở nhiều lĩnh vực đã được đặt ra.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, năng lượng mới... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác các cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Ông Jeremy Jurgens - Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động sản xuất, định hình quỹ đạo của công nghệ cả trong khu vực và toàn cầu. Trong đó, C4IR TP.HCM sẽ đóng vai trò là ngọn hải đăng, là chất xúc tác cho sự phát triển tăng trưởng xanh của TP.HCM.

anh-man-hinh-2024-04-25-luc-11.08.26.png
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký Thỏa thuận hợp tác thành lập C4IR tại TP.HCM với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.

Hội thảo cũng công bố thông tin, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) sẽ được thành lập và đặt tại Khu Công nghệ cao (CNC) TP.HCM vào tháng 9 năm nay. Đây là kết quả hợp tác của Thành phố và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nhằm triển khai hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026 và Thoả thuận được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký kết với lãnh đạo WEF trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thuỵ Sỹ) hôm 16/1."Mục đích của C4IR TP.HCM là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, nhằm tạo ra những giá trị mới phục vụ cho con người, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và lớn hơn là phục vụ cho cộng đồng xã hội", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh

ong-vo-van-hoan-thanh-uy-vien-pho-ct-ubnd-tp-hcm.2.jpg
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội thảo

Trung tâm C4IR cùng với sự đồng hành, cộng hưởng của các thành viên sáng lập là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và tận dụng những tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu mang lại hỗ trợ, tư vấn, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách, sáng kiến phù hợp với định hướng Quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ.

toan-canh-hoi-nghi-.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, C4IR sẽ trực thuộc UBND Thành phố, với vai trò chính là cơ quan định hình, thí điểm chính sách để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, C4IR TP.HCM sẽ đặt tại Khu CNC của Thành phố - một trong ba khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam, có vai trò chiến lược trong việc hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

"C4IR TP.HCM sẽ khai thác nguồn lực hiện có trong Khu CNC như hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT... để tham vấn chính sách cũng như thúc đẩy kết nối các bên liên quan với nhau", ông Thi nói.

anh-man-hinh-2024-04-25-luc-11.35.37.png
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM chia sẻ về mô hình hoạt động của C4IR TP.HCM

Nhiều đề xuất xây dựng và phát triển

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại diện doanh nghiệp sáng lập C4IR TP.HCM ở nhiều lĩnh vực cũng chia sẻ nhiều ý tưởng nhằm xây dựng cơ chế vận hành Trung tâm, cũng như các dự án ở lĩnh vực: sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Kim ByoungHo - Chủ tịch Hội động quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết, với vai trò là một thành viên của C4IR, HDBank sẽ tiếp tục tiên phong ứng dụng và phát triển các dự án công nghệ cao, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy xu thế phát triển chung của ngành ngân hàng. Cùng với chuyển đổi xanh, tín dụng xanh, HDBank sẽ tăng cường nguồn vốn tài trợ các giải pháp tài chính doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ - điện tử… chắp cánh cho những kỳ lân công nghệ vươn tầm”.

chu-tich-kim-byoungho.jpg
Ông Kim ByoungHo - Chủ tịch Hội động quản trị HDBank chia sẻ các định hướng khi tham gia vào C4IR TP.HCM

Ông Đoàn Đại Phong - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viettel Solutions cũng cho biết, Viettel sẽ khai trương 5G trên toàn quốc, ưu tiên triển khai tại TP.HCM vào quý 4/2024. Bên cạnh đó, Viettel cam kết xây dựng Trung tâm dữ liệu xanh, chuẩn quốc tế tại Củ Chi với công nghệ hiện đại, cũng như tiến tới nâng cấp hạ tầng cáp quang gấp tối thiểu 10 lần so với hiện tại, kết nối tới các khu vực sản xuất. Đồng thời, Viettel cũng đề xuất Thành phố xây dựng chiến lược thúc đẩy việc áp dụng điện toán đám mây, điện toán biên, Internet vạn vật để quá trình sản xuất tự động hóa, thông minh hóa diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) cho chuyển số và chuyển đổi xanh, ông Lê Minh - Giám đốc công nghệ Công ty CMC Technology and Solution chia sẻ giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thông qua "Trung tâm Chuyển đổi số của Thành phố" (IOC). Đây là giải pháp công nghệ tiên tiến, từ quản lý đất đai, môi trường, đến hệ thống quản lý văn phòng số và các ứng dụng tương tác thông minh giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

lanh-dao-thanh-pho-ho-chi-minh-va-lanh-dao-hdbank-trai-nghiem-khong-gian-trung-bay-cong-nghe-ben-le-su-kien-hoi-thao.jpg
Các khách mời tại buổi Hội thảo

Trong lĩnh vực Năng lượng xanh, ông Đặng Nhứt - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn cho rằng, ngoài tập trung vào những định hướng nghiên cứu, sản xuất chiến lược hiện nay như chất bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh… còn phải chú trọng các lĩnh vực như công nghệ sinh học, thuốc chữa bệnh thế hệ mới, các loại vaccine đa năng, vaccine ngừa ung thư… Đặc biệt, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nền công nghiệp 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu nghiên cứu phát triển của C4IR TP.HCM, có các giải pháp thích hợp để đưa các nghiên cứu từ C4IR TP.HCM ra ứng dụng kịp thời để phát huy tác dụng sớm nhất có thể.

Ông Võ Văn Hoan đánh giá những ý kiến, giải pháp nêu ra tại hỗi thảo rất cụ thể, thực tế. "Lãnh đạo Thành phố mong muốn C4IR TP.HCM sớm ra đời và đi vào hoạt động một cách hiệu quả để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển nhanh và bền vững của Thành phố nói riêng và cả Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 khi thành lập tại TP.HCM sẽ là trung tâm thứ 19 của mạng lưới toàn cầu, và thứ 2 tại Đông Nam Á.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW đạt được những thành tựu nhất định, góp phần mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về khoa học và công nghệ, đồng thời chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tranh thủ nguồn ngoại lực dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khánh Hưng