Vì sao, 41 dự án PPP vẫn còn chậm?
Cuối năm 2023, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư 41 dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, vướng mắc, tốc độ thực hiện chưa được nhanh như kỳ vọng. Đặc biệt là đầu tư vào các công trình văn hóa, thể thao.
Mới đây, lãnh đạo TP.HCM cho biết đang tiến hành khởi động lại các dự án trước đó, đồng thời chuẩn bị kêu gọi đầu tư những công trình mới theo phương thức PPP. TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đã chia sẻ thêm về vấn đề này.
*Thời gian qua, một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai, nhưng sự tham gia của doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
- Việc TP.HCM quyết định khởi động lại các công trình đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt ở lĩnh vực văn hoá - thể thao, là chính sách lớn và cần thiết trong lúc này. Quay trở lại thời điểm Nghị quyết 98 bắt đầu có hiệu lực, TP.HCM đã chuẩn bị khá nhiều dự án để khởi công xây dựng với mong muốn thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, việc triển khai có thể nói là chậm so với mục tiêu và kỳ vọng, bởi một vài nguyên nhân chính:
Thứ nhất, thời gian gấp gáp mà Thành phố có quá nhiều việc phải làm, như quy hoạch chung, lên quy hoạch cho từng dự án, lập quy hoạch để thu hồi đất... Đến thời điểm này, các dự án đa phần vẫn trong quá trình triển khai, nhiều dự án chưa xác định được nhà đầu tư cụ thể. Chưa có đề án hoàn chỉnh cho một công trình nào đó thì chưa thể kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp TP.HCM thời gian qua gặp nhiều khó khăn nên việc quyết định đầu tư là không dễ. Bởi các dự án này đều yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị nguồn tài chính rất lớn, rồi tiềm lực về con người, bộ máy quản lý… Thêm vào đó, vốn tín dụng đang chặt chẽ hơn với các dự án xây dựng theo phương thức PPP, số lượng nhà đầu tư nắm thông tin về các dự án PPP còn thấp.
* Theo ông, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội xây dựng các công trình văn hóa, thể thao như thế nào?
- Văn hóa, thể thao là hai lĩnh vực Thành phố phát triển còn chậm. Lãnh đạo Thành phố nhiều lần khẳng định phát triển TP.HCM là giữ gìn và phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế. Cho nên, đầu tư xây dựng các dự án theo phương thức PPP lĩnh vực văn hóa và thể thao là cơ hội lớn cho doanh nghiệp có đủ tiềm lực. Đi đôi với đó là lợi thế từ việc Thành phố có nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Cuối tháng 2/2024, Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM công bố danh mục 23 dự án trong lĩnh vực văn hóa thể thao để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, điển hình như xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Lao động, xây dựng Nhà hát Gia Định, xây dựng Trung tâm Văn hóa TP.HCM, xây dựng khu tập luyện và thi đấu thể thao ngoài trời, xây dựng nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp… Nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất là xây dựng sân vận động ở TP. Thủ Đức với sức chứa 50.000 chỗ ngồi, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính nên tận dụng những cơ hội này.
* Thưa ông, thời gian tới, để doanh nghiệp “mặn mà” hơn với các dự án PPP, Thành phố cần những giải pháp nào?
- Bên cạnh việc hoàn thiện khâu chuẩn bị trước khi kêu gọi đầu tư, Thành phố cần đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Tin vui là sắp tới, Thành phố sẽ có nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực theo Nghị quyết 98. Đây sẽ là nghị định quan trọng để “gỡ khó” cho nhà đầu tư. Cũng cần có cơ chế, chính sách hợp lý hơn để thu hút nhà đầu tư, nhất là cơ chế phân chia lợi nhuận và rủi ro. Có quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết liên quan đến thời hạn nhà đầu tư quản lý, khai thác công trình, những ưu tiên mà nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận được khi tham gia vào lĩnh vực mới là văn hoá và thể thao.
Đặc biệt, HĐND TP.HCM cần tính toán để đề xuất phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho các dự án (nguồn vốn đối ứng) trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.
* Thành phố cần những giải pháp nào để hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân và nâng cao hiệu quả vận hành các công trình đầu tư xây dựng theo phương thức PPP, thưa ông?
- Việc vận hành các công trình đầu tư xây dựng theo phương thức PPP phải được quan tâm đúng mức, kể cả các công trình trong lĩnh vực văn hoá và thể thao. Tôi nghĩ có hai giải pháp để nâng cao hiệu quả, thứ nhất, công tác điều chỉnh quy hoạch, giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật quy hoạch, công tác thu hồi đất cần được Thành phố làm nhanh để hỗ trợ nhà đầu tư. Như đã nói, vấn đề về thủ tục vẫn luôn là điểm nghẽn, nên cần “gỡ rối” một cách quyết liệt từ đây. Thứ hai, phải xác định đây là “cuộc chơi” công bằng, thông qua việc làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Đặc biệt tập trung nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong vai trò đối tác. Tôi cho rằng, những chính sách thiết thực liên quan đến hỗ trợ nguồn vốn là điều doanh nghiệp cần, giúp họ có kế hoạch với dòng tiền, từ đó mang lại hiệu quả vận hành công trình.
* Cảm ơn ông!