Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất do áp lực lên đồng nội tệ
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa giữ nguyên lãi suất, do các lựa chọn nới lỏng tiền tệ bị thu hẹp, bởi sự suy yếu gần đây của đồng nhân dân tệ so với USD.
Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm - chuẩn mực cho các khoản vay của doanh nghiệp, được giữ nguyên ở mức 3,45% vào đầu tuần này, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc họp rà soát lại chính sách. Lo ngại về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại có thể là một yếu tố khác, vì lãi suất thấp hơn ảnh hưởng đến lợi nhuận bên cho vay.
Lãi suất kỳ hạn 5 năm, vẫn ở mức 3,95%. Kỳ hạn này bị cắt giảm vào tháng 2/2024 từ mức 4,2%, để thúc đẩy doanh số bán bất động sản vốn liên tục yếu kém.
Theo các chuyên gia, đồng nhân dân tệ yếu đi khiến Ngân hàng Trung ương khó hành động hơn.
Nội tệ của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong 5 tháng so với USD vào ngày 16/4, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell cho rằng, việc cắt giảm lãi suất dự kiến của FED có thể bị trì hoãn.
Việc gấp rút giảm lãi suất ở Trung Quốc, có thể đẩy nhanh dòng vốn chảy ra ngoài, với những tác dụng phụ tiềm ẩn, như đồng nhân dân tệ yếu hơn khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang dựa vào các đòn bẩy để thay thế. Tháng 2/2204, họ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - mức dự trữ mà các ngân hàng thương mại buộc phải duy trì, giảm thêm 0,5%, trong nỗ lực huy động thêm tiền lưu thông trong nền kinh tế và khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn.
Theo thống kê, các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ đã giảm 21% trong tháng 3/2024, xuống còn 3,09 nghìn tỷ nhân dân tệ ( tương đương 427 tỷ USD), mức giảm mạnh nhất kể từ con số 49% vào tháng 7/2023. Cho vay đối với cá nhân và doanh nghiệp đều giảm.
Trong khi kinh tế Trung Quốc có một số dấu hiệu cải thiện, triển vọng chi tiêu của doanh nghiệp lẫn hộ gia đình vẫn chưa chắc chắn.
Dữ liệu Chính phủ công bố vào tuần trước cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Trung Quốc tăng 5,3% vào quý 1/2024, trong bối cảnh sản xuất và đầu tư đi lên ở các lĩnh vực như ô tô và linh kiện điện tử.
Đầu tư tài sản cố định, như chi tiêu cho các dự án xây dựng nhà máy, tăng 4,5% vào quý 1/2024, vượt xa mức tăng 3% của cả năm 2023. Tuy nhiên, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 0,5%, cho thấy Chính phủ đang thúc đẩy nền kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước.
Trong lúc đó, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm. Doanh số bán nhà mới giảm 23% theo khu vực trong quý 1/2024, nhanh hơn mức giảm 8,2% của cả năm 2023. Lượng tồn kho nhà ở tăng 23,9% trong tháng 3/2024. Do đó, các doanh nghiệp không muốn bổ sung thêm vào nguồn cung đang dư thừa.