Chân dung

Những doanh nhân Việt với đế chế tỷ đô tại xứ cờ hoa

KH 23/04/2024 - 12:56

Kinh doanh tại Mỹ vốn nhiều thử thách và cạnh tranh nhưng các doanh nhân gốc Việt như ông chủ Tập đoàn bất động sản Bridgecreek Triệu Như Phát, tỷ phú Chính Chu... đã trở thành những tên tuổi được biết đến.

1. Doanh nhân Nguyễn Bá Lịch

dn1a.jpg

Anh sinh năm 1993 ở vùng quê Quảng Nam, được mệnh danh là “phù thủy định cư”. Với niềm đam mê công nghệ, anh tập tành kinh doanh online qua việc buôn bán các thiết bị điện thoại, sở hữu vài cửa hàng bán smartphone tại Việt Nam.

Giữa thời điểm đỉnh cao kinh doanh dòng sản phẩm công nghệ, Nguyễn Bá Lịch phát hiện mình có một niềm đam mê khác đó là "xê dịch" - du lịch. Cơ duyên đã giúp anh gặp được một người cùng chung sở thích và cả hai cùng nhau mở công ty du lịch. Tuy nhiên, lần khởi nghiệp này của Nguyễn Bá Lịch thất bại "toàn tập", công ty dừng hoạt động chỉ sau vỏn vẹn 1 tháng ra mắt.

Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của người thân, bạn bè, anh bắt đầu gây dựng lại với Công ty TNHH Truyền thông Du lịch Việt Mỹ. Nhưng lại một lần nữa không thành công và còn phải ôm khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng. Thời điểm đó may mắn vì anh vẫn còn giữ công việc kinh doanh điện thoại nên đã gắng gượng xoay sở.

Nhìn lại, Nguyễn Bá Lịch rút ra kinh nghiệm: "Thất bại của tôi chính là vì chưa thật sự chú tâm và đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc một cách xứng đáng, chứ không phải tôi chọn sai lĩnh vực đầu tư".

Từ đây, Nguyễn Bá Lịch quyết định dừng hẳn kinh doanh công nghệ để tập trung 100% phát triển mảng du lịch. Khách hàng của Vietmytravel tập trung vào phân khúc cao cấp. Ba lĩnh vực chính chú trọng phát triển là: Du lịch Mỹ, du học và định Cư tại Mỹ – châu Úc – Canada…

2. Doanh nhân Triệu Như Phát

dn2a.jpg

Triệu Như Phát sinh ra tại Hải Phòng, năm 7 tuổi, ông theo gia đình vào Sài Gòn. Năm 27 tuổi, ông Phát cùng vợ sang Mỹ, trong túi ông khi đó chỉ còn vỏn vẹn đúng 50 xu. Họ sống trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Whittier, bang Califorina. Công việc mưu sinh đầu tiên trên đất Mỹ là gõ cửa từng nhà để chào bán máy hút bụi.

Khi đó, chàng trai trẻ Triệu Như Phát không vội vã làm giàu mà muốn có trước hết một nền tảng kiến thức vững chắc. Trong vòng một năm, ông đã lấy được giấy phép hành nghề và xin vào làm cho một công ty địa ốc của Mỹ.

Ba năm sau khi đặt chân đến Mỹ, tức năm 1978, ông tự đứng ra mở Công ty Bridgecreek - chuyên phục vụ về đầu tư và phát triển địa ốc, với số vốn một nửa là của ông, nửa còn lại do một Giám đốc một ngân hàng Mỹ đóng góp.

Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đã đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ.

Sau gần 30 năm, Công ty Bridgecreek phát triển rất mạnh và trở thành Bridgecreek Group Inc. chuyên đầu tư bất động sản ở nhiều nơi với số vốn lên đến khoảng hơn 500 triệu USD và có văn phòng toạ lạc tại Little Saigon.

db2b.jpg

3. Doanh nhân Chính E.Chu

dn3a.jpg

Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam, còn được biết đến là chồng của ca sĩ Hà Phương (em gái ca sĩ Cẩm Ly) . Ông cùng gia đình di cư sang Mỹ vào năm 1975 với vốn liếng chỉ vài trăm USD.

Ông tốt nghiệp Cử nhân tài chính Đại học Buffalo – một ngôi trường không mấy danh tiếng tại New York (Mỹ), hậu quả: 15 lá đơn xin việc của ông đều bị từ chối.

Năm 1988, ông may mắn được nhận vào làm tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brother.

Năm 1990, ông về làm việc cho tập đoàn tài chính chuyên về đầu tư Blackstone. Ở tuổi 33, sau 10 năm cống hiến và chứng tỏ được bản thân, Chính Chu được Blackstone bổ nhiệm làm Chuyên viên đầu tư cao cấp của quỹ này. Ông Chính Chu đã ‘đạo diễn’ thành công nhiều thương vụ đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD)... Thời điểm này, tài sản ròng của ông ước tính 1,2 tỷ USD.

Năm 2015, tỷ phú Chính Chu rời Blackstone, thành lập đế chế cho riêng mình - Quỹ đầu tư tư nhân CC Capital, giữ chức vụ Giám đốc Điều hành Cấp cao của quỹ này.

Trong vài năm gần đây, phố Wall rộ lên phong trào thành lập SPACs (Công ty mua lại mục đích đặc biệt), là các công ty rỗng, không có hoạt động thương mại nào. Mục đích là huy động vốn thông qua IPO để hợp nhất hoặc mua lại một công ty khác và đưa công ty đó lên sàn.

Kể từ năm 2016 đến nay, CC Capital và ông Chính Chu đã huy động được 5 SPACs bao gồm CF Corp, Collier Creek Holdings, CC Neuberger Principal Holdings I, II, III (3 SPACs này là liên doanh giữa CC Capital và Neuberger Principal Holdings).

Ngoài thành lập các SPACs, tỷ phú Chính Chu đã dẫn đầu giao dịch tư nhân 7,1 tỷ USD của Dun & Bradstreet vào năm 2019 và thương vụ mua Wilshire vào năm 2021.

4. Doanh nhân David Trần

dn4a.jpg

David Trần sinh năm 1945 tại Việt Nam. Ông đến Mỹ và sáng lập ra Huy Fong Foods - một công ty chuyên sản xuất tương ớt vào năm 1980 tại Los Angeles, bang California.

Sản phẩm đặc trưng của công ty là tương ớt Sriracha. Thương hiệu Sriracha đã có mặt trên bàn ăn của người tiêu dùng trên toàn thế giới, trạm Không gian Quốc tế (ISS) và xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế Survivor. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, những chai tương ớt Sriracha với logo con gà trống và nắp màu xanh lá cây hiện có mặt trong căn bếp của gần 1/10 gia đình Mỹ.

Huy Fong đứng thứ ba trên thị trường tương ớt Mỹ với doanh thu 1,5 tỉ USD, xếp sau Tabasco của gia đình McIlhenny thành lập từ năm 1868 và Frank’s RedHot từ tập đoàn gia vị McCormick & Co.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld, Huy Fong hiện có giá trị vốn hóa thị trường 1 tỷ USD dựa trên doanh thu ước tính 131 triệu USD ghi nhận vào năm 2020. Theo đó, ông Trần trở thành tỷ phú tương ớt của nước Mỹ nhờ nắm toàn bộ quyền kiểm soát công ty.

4b.jpg

KH