Ngân hàng Trung ương Thái Lan kiên quyết không giảm lãi suất bất chấp sức ép
Tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin triệu tập 1 cuộc họp để thảo luận về chương trình kích cầu. Ông mời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sethaput, nhưng quan chức này vắng mặt.
Cuộc họp được theo dõi chặt chẽ không chỉ vì bất đồng giữa ông Srettha và Sethaput. Kể từ khi nền kinh tế chuyển sang giảm phát vào tháng 10/2023, ông Srettha liên tục gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương về việc giảm lãi suất. Ngày 8/4, ông thậm chí kêu gọi giảm mức cụ thể là 0,25%.
Thủ tướng Srettha cam kết hỗ trợ số tiền trị giá 500 tỷ baht (tương đương 13,6 tỷ USD) cho người dân có thu nhập thấp, nhưng khoản hỗ trợ bị hoãn đến quý 4/2024. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, cắt giảm lãi suất có thể hỗ trợ nền kinh tế trong lúc chờ nguồn tài chính xuất hiện.
Thủ tướng Srettha lập luận rằng, cắt giảm sẽ hạ chi phí đi vay cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, mở rộng sức mua và tạo đòn bẩy cho thị trường chứng khoán Bangkok đang gặp khó khăn.
Trong khi đấy, Ngân hàng Trung ương bỏ qua sự chỉ trích, tiếp tục giữ lãi suất chuẩn ở mức 2,5%. Điều này phù hợp với kỳ vọng của thị trường, về khả năng lãi suất được giảm vào giữa năm.
Thời gian qua, đồng baht ổn định ở mức 36,3 đổi 1 USD, nhưng có thể xuống giá nếu Ngân hàng Trung ương chấp nhận cắt giảm lãi suất sớm. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela, giá trị nội tệ sụt giảm khi các Ngân hàng Trung ương nhượng bộ trước ảnh hưởng chính trị, làm mất khả năng duy trì sự ổn định giá cả.
Bà Pimnara Hirankasi, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Krungsri nói: “Khi các Ngân hàng Trung ương hoạt động độc lập, họ có thể tập trung vào việc đạt được nhiệm vụ một cách hiệu quả, cho phép đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và phân tích kinh tế, mà không bị can thiệp từ các chính trị gia có mục tiêu khác.”
Lãi suất ở Thái Lan đang ở mức cao nhất một thập kỷ, mặc dù các nền kinh tế châu Á khác, lãi suất đang ở mức gần đáy. Nhiều tiếng nói cho rằng, có thể lãi suất của Thái Lan sẽ giảm vào giữa năm, sau khi dữ liệu kinh tế quý 2 được công bố.
Ở bên ngoài, nếu nước khác cắt giảm lãi suất, ví dụ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), sẽ ảnh hưởng tới giá trị đồng baht. Đồng nội tệ của Thái Lan đã giảm hơn 6% giá trị từ đầu năm tới nay. Sự suy yếu của đồng baht được dự đoán còn kéo dài, do khả năng FED giảm lãi suất sẽ không sớm diễn ra. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tích cực và lạm phát cao hơn dự kiến. Đồng baht hiện giao dịch ở mức 36,4 đổi 1 USD, so với 34,36 đổi 1 USD thời điểm cuối năm 2023.
Theo ngân hàng HSBC, kể cả khi FED bắt đầu nới lỏng chính sách, Ngân hàng Trung ương Thái Lan có thể chọn giữ ổn định lãi suất ở mức 2,5% trong thời gian còn lại của năm 2024, nếu nhận thấy lạm phát gia tăng và rủi ro tài chính liên quan đến nợ hộ gia đình của đất nước vẫn cao.
Thái Lan đã trải qua 6 tháng lạm phát âm, nhưng giai đoạn này có thể đã kết thúc vào tháng 3/2024, khi nhiều khoản trợ cấp điện và nhiên liệu của Chính phủ hết hạn. Ngân hàng Trung ương dự báo, lạm phát chung vào cuối năm 2024 sẽ ở mức 0,6%.
Ngân hàng UOB dự đoán Thái Lan sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và tháng 8. Bên kia đại dương, FED bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 9/2024. Thái Lan có khả năng cắt giảm sớm hơn FED, vì động lực tăng trưởng khác nhau. Một nền kinh tế vẫn đang phát triển, còn nền kinh tế kia đang già hóa.
Ngân hàng Trung ương kỳ vọng, kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay. Triển vọng tăng trưởng yếu này, đã gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán. Dòng vốn chảy ra khoảng 1,9 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay, làm suy yếu giá trị đồng baht.
Một số tiếng nói cho rằng, đồng baht yếu, có thể là liều thuốc thích hợp cho nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và xuất khẩu như Thái Lan, đặc biệt khi sự phục hồi du lịch chưa như mong đợi, và nhu cầu từ bên ngoài đối với hàng xuất khẩu đi xuống.