Trong nước

Dự kiến trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn

Thanh An 15/04/2024 - 10:45

Dự kiến trong tháng 5, tháng 6 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn để thúc đẩy công nghệ số, chuyển đổi số và công nghệ AI.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương trình bày tại sự kiện vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê năm 2024.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định AI là công nghệ quan trọng nhất giai đoạn hiện nay. Do đó, trong năm 2024, ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục thúc đẩy, phát triển ứng dụng AI, nhất là AI hẹp, tạo ra những ứng dụng AI trong từng lĩnh vực công nghiệp, cung cấp và phổ cập ứng dụng dịch vụ AI trên cả nước.

Để góp phần thúc đẩy công nghệ số, chuyển đổi số và công nghệ AI, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xây dựng và dự kiến trong tháng 5, tháng 6 tới sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn.

Đồng thời, Bộ cũng đang báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo ra không gian phát triển mới cho công nghệ số, trở thành lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và là động lực mới của đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cam kết sẵn sàng chung tay cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc thúc đẩy ứng dụng AI mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

nganh-vi-mach-ban-dan-4.jpg
Dự kiến trong tháng 5, tháng 6 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn

Trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam là quốc gia được chọn cho chiến lược phát triển sắp tới với ưu thế lớn về nhân lực và địa chính trị. Những doanh nghiệp công nghệ số đang đứng trước những cơ hội rất lớn, và cũng đang cần những nỗ lực sáng tạo rất lớn, tinh thần, và quyết tâm lớn hơn nữa.

Tuy nhiên, mặc dù liên tục liên tục đón nhận một lượng lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn vào các ngành công nghệ cao nhưng các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được trọn vẹn và đúng đắn về vai trò của chuyển đổi số. Hiện tại chỉ mới có 31% doanh nghiệp đang ở bước đầu của chuyển đổi số, 53% đang ở giai đoạn quan sát và chỉ 3% đã hoàn thiện cơ bản quá trình này.

Chính vì vậy, nếu chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn được ban hành sẽ tạo điều kiện để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận chương trình chuyển đổi số của Chính phủ. Qua đó, chung tay cùng Chính phủ thúc đẩy công nghệ số, chuyển đổi số và công nghệ AI trong sản xuất.

Thanh An