Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

"Bệ đỡ" tài chính cho doanh nghiệp nông nghiệp xanh vẫn cần khung pháp lý

K.H-YN 14/04/2024 17:24

Các ngân hàng đã và đang hướng đến áp dụng các gói giải pháp tín dụng xanh với nhiều ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn triển khai những dự án nông nghiệp nông thôn có yếu tố “xanh”.

Theo Báo cáo về tình kinh tế - xã hội quý I/2024 của Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất nông nghiệp quý I/2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững, sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… gây nguy hại đối với môi trường, khiến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng chưa cao, giá trị xuất khẩu thấp, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn hạn chế.

"Bệ đỡ" ngân hàng

Để phát triển nền nông nghiệp xanh đầu tư, gia tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã phát huy vai trò là "bệ đỡ" kinh tế cho các mô hình nông nghiệp xanh. Mới đây, Ngân hàng TNHH một thành viên United Overseas Bank (Việt Nam) (UOB Việt Nam) vừa ký kết thỏa thuận tiện ích tài trợ thương mại xanh với Công ty CP xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX).

Để đi đến thỏa thuận hợp tác này, BETRIMEX đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh vô cùng nghiêm ngặt của UOB Việt Nam, tập trung vào việc đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch Betrimex cho biết: "Cây dừa đang tạo ra nguồn thu nhập cho khoảng 390.000 hộ nông dân Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu khi 1 ha dừa mỗi năm có thể lọc được 70-75 tấn CO2. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050 thì giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon. Hợp tác cùng UOB Việt Nam thông qua thỏa thuận tiện ích tài trợ thương mại xanh đánh dấu bước tiến mới trong hành trình phát triển bền vững của Betrimex, thực hiện mục tiêu chung là thúc đẩy thực hành về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững".

Tính trên toàn khu vực, danh mục tài trợ thương mại xanh của UOB đã đạt quy mô 44,5 tỷ SGD tính đến cuối năm 2023, vượt mục tiêu 30 tỷ SGD tài trợ thương mại xanh và bền vững vào năm 2025 mà ngân hàng đã đặt ra trước đó.

picture1.jpg

Tương tự, trong năm 2023, nguồn vốn giải ngân từ HDBank cho các dự án chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chương trình tín dụng dành riêng cho các DNNVV, đặc biệt với DNNVV do phụ nữ làm chủ… đã đạt trên 1 tỷ USD, vượt mức cam kết với các nhà tài trợ quốc tế.

Ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc HDBank cho biết, HDBank đã xây dựng, phát triển sản phẩm cho vay dành riêng cho nông nghiệp với mức vay không giới hạn từ 50 triệu đồng, thời hạn vay và phương thức trả nợ linh hoạt, chứng từ đơn giản; ưu đãi về phí và lãi suất cho vay dành cho khách hàng trong các lĩnh vực chuyên biệt: Kinh doanh tiêu, cà phê, điều, lúa gạo…

k2-17055633998121721377111.jpg
Nhiều ưu đãi của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp nông nghiệp xanh

Trong nhiều năm qua, Agribank cũng đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, Agribank đã tung ra gói vay quy mô 10 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để bổ sung vốn lưu động trong lĩnh vực sản xuất, chế biển, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch.

Tính đến hết tháng 9/2023, doanh số cho vay từ khi bất đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 2.000 tỷ đồng với gần 300 khách hàng.

1651728218420.jpg

Chưa tương xứng tiềm năng

Mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực làm "bệ đỡ" cho doanh nghiệp xanh nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

Tại hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách” tổ chức ngày 03/4/2024, tại Hà Nội, đại diện Bộ TN&MT cho rằng: "Xây dựng hệ thống Danh mục phân loại xanh theo chuẩn quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc đánh giá và phân loại các dự án xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho đất nước, từ khía cạnh kinh tế, môi trường đến xã hội".

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng: "Việt Nam hiện đang đi cùng với thế giới về mặt tư duy về tăng trưởng xanh, quan trọng là chúng ta đã có hệ thống văn bản, khung pháp lý, chiến lược hành động khá đầy đủ đây là tín hiệu và nhận thức đáng mừng. Tuy nhiên theo ông Lực, quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ, trong khi trái phiếu xanh chỉ đạt 1,16 tỷ USD trong vòng 5 năm qua - con số nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Ông Lực cũng cho biết thêm việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều khó khăn vì thiếu khung pháp lý, chính sách tổng thể trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi…Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng ; cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn, khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh…

Kiến nghị tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo và triển khai ESG trong hệ thống Agribank cho rằng, để chung tay tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, Chính phủ, các bộ, ngành và NHNN ban hành, hướng dẫn, tuyên truyền khung pháp lý càng cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí xã hội và quản trị đối với doanh nghiệp và NHTM sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu hướng hội nhập của nền kinh tế, quốc tế. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp, NHTM chủ động triển khai thực thi ESG hiệu quả. Ngoài ra, các NHTM cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ với hệ thống Ngân hàng và các TCTD trong nước để ngày càng tiếp cận được nhiều hơn các quỹ tài chính, gói tài trợ đối với tín dụng xanh của các Tổ chức trên thế giới.

Trong chỉ thị 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo. Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật

K.H-YN