Chuyện làm ăn

Walmart, Aeon, Central… hút hàng Việt

Hồng Nga 13/04/2024 15:30

Các nhà mua hàng quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn có chuỗi siêu thị, cửa hàng rộng khắp thế giới như Walmart, Aeon, Central, Lulu… đang tích cực mở chuỗi cung ứng mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

“Điểm đến” hàng đầu

Ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart cho biết, Việt Nam đang được coi là “hub” trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho Walmart trong chuỗi 10.500 cửa hàng trên thế giới. Hiện Việt Nam trong top 5 quốc gia cung cấp hàng hóa nhiều nhất cho Walmart và đang vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Xoài đông lạnh, trà, cà phê là những mặt hàng có tiếng của Việt Nam tại hệ thống Walmart.

walmart.jpeg
Việt Nam trong top 5 quốc gia cung cấp hàng hóa nhiều nhất cho Walmart

“Năm 2023, Walmart thu mua 7 tỷ USD hàng Việt, chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, đồ chơi, và đang trở thành điểm đến hàng đầu trong chuỗi chuyển dịch của các tập đoàn lớn. Con số này sẽ còn tăng mạnh vì chúng tôi đang tăng cường nhân lực phụ trách nguồn cung ở Việt Nam”, ông Trọng thông tin.

Tương tự, ông Yuichiro Shiotani - Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam và Trung Quốc cũng cho biết, Aeon lựa chọn những nhà cung cấp tiềm năng tốt nhất để mang sản phẩm đến các cửa hàng của mình tại 48 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là thị trường được Aeon Topvalu chú trọng nhiều nhất trong nhập khẩu hàng hóa và phát triển sản phẩm.

“Nhiều DN Việt đang là đối tác của chúng tôi và đã xuất khẩu thành công. Từ 2017 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt qua Aeon tăng gấp đôi. Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD hàng Việt thông qua hệ thống Aeon vào năm 2025 như ký kết với Bộ Công Thương”, ông Yuichiro Shiotani chia sẻ.

Không chỉ Walmart, hàng loạt các tập đoàn phân phối đã đầu tư lớn và tham gia sâu tại thị trường Việt Nam như Uniqlo (Nhật Bản), Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan)… đã lên chiến lược mở rộng quy mô chuỗi phân phối tại thị trường Việt Nam. Ông Paul Le - Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail cho biết, tất cả các chuỗi siêu thị này đang kinh doanh đến 95% sản phẩm của Việt Nam. Hàng Việt có chất lượng tốt và đặc biệt là các mặt hàng đặc sản như dừa Bến Tre, vải Bắc Giang, xoài Cao Lãnh, cà phê… rất được các quốc gia ưa thích.

aeon-9.jpg
Tập đòn Aeon đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD hàng Việt thông qua hệ thống của mình trên thế giới

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. “Sau đại dịch, và những bất ổn địa chính trị - kinh tế, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ”, ông Hoàng Linh nhấn mạnh.

Phải vượt trở ngại

Mặc dù cơ hội mở ra ngày càng nhiều các DN trong nước cũng đối diện với không ít thách thức. Điều đầu tiên là khả năng tiếp cận trực tiếp các tập đoàn lớn của DN còn khá khiêm tốn. Theo ông Trọng, một trong những cản ngại đầu tiên của DN Việt Nam là thiếu khả năng tìm hiểu thị trường để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Vì vậy, các DN Việt Nam không có nhiều điều kiện làm việc trực tiếp với Walmart.

“Hiện có 500 DN Việt Nam đang cung ứng cho Walmart nhưng đa phần là DN FDI. Các DN có chủ là người Việt chiếm tỷ lệ nhỏ và hầu hết họ làm việc qua trung gian. Định hướng của tập đoàn là ưu tiên làm việc trực tiếp với nhà cung cấp địa phương, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng trực tiếp vào hệ thống Walmart”, ông Trọng cho biết.

Ông Hoàng Linh cũng thừa nhận năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, phân phối toàn cầu của các DN Việt còn hạn chế, khó đáp ứng được các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện giao hàng... Thêm vào đó, các kênh phân phối lớn trên thế giới thường ký hợp đồng với số rất lượng lớn, giá cả rất cạnh tranh đặt bài toán cho DN phải chuyển đổi mạnh mẽ để tối ưu hóa tất cả các khâu trong quy trình sản xuất.

“Vì vậy, các DN cần thay đổi quan điểm sản xuất, không làm đại trà mà chú trọng đến chất lượng, hình ảnh… Khi tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối nước ngoài, các DN cần nắm bắt, cập nhật các xu hướng mới, các thay đổi mới của các thị trường”, ông Linh nhấn mạnh.

central.png
95% hàng phân phối tại các chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Central Retail là hàng Việt

Cùng quan điểm này, ông Yuichiro Shiotani nói thêm rằng, tuy Việt Nam là điểm đến của các nhà mua hàng quốc tế nhưng ở mỗi thị trường lại có những quy định khác nhau về chất lượng, về tiêu chuẩn… Vì thế, các DN Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong đầu tư. Bên cạnh đó, tiêu chí chọn lựa nhà cung cấp vào các hệ thống phân phối nước ngoài là đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

“Trong xu thế hiện nay, các nhà thu mua không chỉ chọn nguồn hàng dựa trên tiêu chí giá cả hay tốc độ giao hàng mà đã thay đổi sang tiêu chí phát triển xanh, bền vững. Một khi Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí này, hàng hóa sẽ rộng đường ra nước ngoài”, ông Yuichiro Shiotani nói.

Hồng Nga