Du lịch

Trái cây bản địa trên tác phẩm điêu khắc- cách quảng bá văn hóa và du lịch Úc

Châu Quang Phước 13/04/2024 15:06

Xoài Bowen lớn nhất nước Úc, từng là chủ đề của một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của nước Úc, mang tính quảng bá văn hóa du lịch địa phương.

Vùng Manbulloo phía bắc Queensland (Úc) là nơi trồng rất nhiều xoài Kensington Pride (hay còn gọi là xoài Bowen) lớn nhất nước Úc, được nhiều người tiêu dùng khắp nước Úc biết đến. Là một giống xoài thương mại, xoài Kensington Pride chiếm hơn 80% thị trường xoài thương mại hàng năm của cả nước.

Xoài Kensington Pride có hương vị thơm và ngọt độc đáo (khi so sánh với các giống xoài được trồng ở Florida hoặc ở hầu hết các nước xuất khẩu xoài) bởi thịt mềm, không có xơ. Chúng có làn da màu vàng, thường có màu hồng hoặc đỏ do tiếp xúc mạnh với ánh nắng mặt trời bắc Queensland. Trong khi hầu hết người tiêu dùng vẫn thích ăn xoài Kensington Pride tươi cắt lát, chúng cũng là một sự bổ sung tuyệt vời cho món sinh tố, món tráng miệng hoặc thậm chí là món salad mùa hè.

traicay1.jpg

Manbulloo đã dẫn đầu trong việc trồng và cung ứng xoài của Úc kể từ khi thành lập vào năm 1982, và tiếp tục phát triển mạnh cho đến ngày nay. Với bảy trang trại xoài do gia đình sở hữu trên khắp miền Bắc nước Úc, Manbulloo là nơi trồng xoài lớn nhất của Kensington Pride.

Cây ban đầu xuất hiện ở Bowen, Queensland vào cuối những năm 1880 (mặc dù không được mô tả chính thức cho đến những năm 1960), nơi nó được đặt tên là "Niềm tự hào của Bowen". Nó có thể đã được mang đến Bowen từ Ấn Độ trong khoảng thời gian từ 1885 đến 1889, bởi các thương gia mang đến thị trấn buôn bán ngựa sầm uất ở Bowen.

Xoài Kensington Pride cũng được giới thiệu đến Mỹ thông qua Florida, nơi nó được bán với số lượng hạn chế dưới dạng cây giống tại vườn ươm chuyên dụng để trồng tại nhà. Cây Kensington được trồng trong các bộ sưu tập của kho lưu trữ nguồn gen (tế bào mầm) của USDA ở Miami, Florida; tại Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Nhiệt đới của Đại học Florida ở Homestead, Florida; và tại Công viên Trái cây và Gia vị Miami–Dade, cũng ở Homestead.

Vào năm 2023, Google Doodle (biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng trên trang chủ của Google nhằm chào mừng các ngày lễ, các sự kiện, thành tựu và con người) từng giới thiệu biểu trưng kỷ niệm điểm thu hút khách du lịch khổng lồ của Bowen với quá khứ đầy màu sắc, thông qua tác phẩm điêu khắc biểu tượng “Big Mango”.

Cấu trúc ‘trái cây nghệ thuật’ này bằng sợi thủy tinh trị giá 90.000 USD, vốn dĩ được dựng lên để kỷ niệm tuyên bố của Bowen là thủ phủ sản xuất xoài của Úc, và là một trong 150 ‘Công trình Lớn’ từng được xây dựng tại Úc kể từ những năm 1960, để thu hút khách du lịch trên khắp nước Úc.

Nước Úc nức tiếng với câu chuyện được bao phủ bởi những điều lớn lao (Big Things), và một trong số đó là hình ảnh đầy cảm hứng về "Niềm tự hào của Bowen", xoài Kensington Pride, đã được nghệ thuật điêu khắc nâng lên thành tính biểu tượng để tôn vinh ngành nông nghiệp của Bowen.

Vào năm 2002, thị trấn Bowen, phía Bắc Queensland, đã xây dựng một công trình khổng lồ để tri ân giống xoài nổi tiếng thế giới và những vườn cây ăn trái trù phú của họ. Đó là tác phẩm điêu khắc mang tên “Big Mango” (Xoài khổng lồ), nằm gần trục Xa lộ Bruce, chỉ cách thị trấn Bowen 5km về phía Nam. Với cấu trúc chủ đạo được thiết kế và thi công bằng sợi thủy tinh, nặng khoảng 7 tấn và cao 10 mét, ngân sách đầu tư là 90.000 USD tại thời điểm thực hiện, tác phẩm điêu khắc “Big Mango” được mô phỏng bám sát và tả chân theo hình dáng xoài Kensington Pride, đã nhanh chóng tạo thành điểm nhấn không thể bỏ qua cho khách du lịch quốc tế khi đến tham quan vùng đất này.

traicay2.jpg

Được dựng lên bên cạnh Trung tâm Thông tin Du lịch của thành phố Bowen, tác phẩm điêu khắc ‘xoài khổng lồ’ này đã nghiễm nhiên nằm trong bộ sưu tập các điểm tham quan ven đường của nước Úc, kể từ đó. Bởi “Big Mango” chính là trái xoài lớn nhất thế giới!

“Big Mango” theo bước chân của nhiều “Big Things” được xây dựng trên khắp nước Úc như những điểm tham quan mới lạ bên đường, kể từ những năm 1960 (bao gồm “Big Bogan”, “Big Banana” và “Big Gumboot”).

Thế nhưng, có vẻ như điều thú vị nhất về công trình điêu khắc vinh danh giống cây đặc sản bản địa nơi ấy không chỉ có vậy, trong mắt du khách và truyền thông quốc tế.

Vào năm 2014, trong một đêm Chủ nhật, tác phẩm điêu khắc “Big Mango” đã đột nhiên mất tích một cách bí ẩn, bất kể kích cỡ to lớn lẫn ‘cân nặng’ quá khổ của ‘xoài khổng lồ’ này đã từng làm khó cho những người sáng tạo và thực hiện thi công, thuở ban đầu.

Tin tức về vụ trộm tác phẩm điêu khắc bản địa này đã gây xôn xao dư luận quốc tế, được hỗ trợ bởi đoạn phim CCTV (đoạn phim được cung cấp chính thức dường như đã ghi lại được ‘vụ trộm’, trong đó một chiếc xe cần cẩu được sử dụng để di dời tác phẩm điêu khắc ‘xoài khổng lồ’ cao tầm tòa nhà ba tầng rời khỏi bệ bê tông nơi nó đã đứng tại vị yên ổn từ năm 2002) và cả thông cáo báo chí do Trung tâm Thông tin Du lịch Bowen gửi đi. Nhưng phóng viên Helen Davidson của tờ ‘Guardian Australia’ đã bày tỏ sự nghi ngờ của mình về ‘vụ trộm’ táo bạo này với nước Úc, dưới một bài báo có tựa đề mang tính châm biếm, rằng: “Xoài khổng lồ ‘được cởi xích’: Địa điểm du lịch cao ba tầng của Bowen có thực sự bị đánh cắp không?”

Trung tâm Thông tin Du lịch Bowen kiên quyết khẳng định ‘xoài khổng lồ’ của họ đã bị đánh cắp vào rạng sáng thứ Hai, và một nhân viên của khu du lịch này đã nói với nhà báo Helen Davidson rằng cô ấy ước gì đó là một trò lừa bịp.

Các câu hỏi đã được đặt ra vào buổi chiều cùng ngày, khi người ta phát hiện ra rằng không có báo cáo nào của cảnh sát được nộp, và Guardian Australia đã tìm ra liên kết giữa một trong những thông cáo báo chí với một công ty quảng cáo ở Sydney. Bí ẩn tiếp tục được làm sáng tỏ khi một người dân tên Bob nói với đài phát thanh ABC ở Queensland, rằng ông đã tìm thấy ‘xoài khổng lồ’ được che phủ bởi những tấm bạt và cành cây, trong một bãi đất phía sau Trung tâm Thông tin Du lịch Bowen. Đến lúc ấy thì ‘vụ trộm’ đã ít nhiều được xác quyết rằng đó chỉ là một phần của một chiêu trò tiếp thị ly kỳ về du lịch của Bowen, bởi có bằng chứng cho thấy rõ cảnh sát địa phương không hề điều tra vụ việc.

Chuỗi nhà hàng gà Nando's cuối cùng đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ mất tích tác phẩm điêu khắc ‘xoài khổng lồ’ của Bowen. Nando's là khách hàng của công ty quảng cáo Sydney. Trong khi thương hiệu Nando's được biết đến chủ yếu với món gà Peri-peri nướng lửa gây nghiện, thì chiêu trò PR bằng ‘vụ trộm phối hợp’ này đã được dàn dựng trước khi ra mắt món gà tẩm hương vị xoài và chanh (Mango & Lime chicken)- dành cho những người ăn không chịu được vị cay truyền thống. Những người hâm mộ Nando's ở Melbourne được mời đến trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều tại Quảng trường Liên bang, nơi Nando's cung cấp các món gà tẩm hương vị mới thơm ngon và nướng ngay tại chỗ. Và 3 ngày sau của ‘vụ trộm’, món ăn mới ra mắt này của Nando's đã có mặt tại các nhà hàng của Nando’s trên khắp nước Úc.

Điều đặc biệt thú vị lẫn hài hước là Chủ tịch của Bowen Tourism, Paul McLauglin, người ‘có công’ trong việc hỗ trợ ‘vụ trộm Big Mango’ của Nando’s, khi ấy cũng đã hiện diện cùng Nando's tại Quảng trường Liên bang ở Melbourne.

Sau một ngày chính thức ra mắt tưng bừng với sản phẩm gà nướng vị xoài và chanh, Nando's đã ăn mừng với người dân địa phương ở Bowen khi “Big Mango” được lắp đặt lại tại vị trí nguyên gốc, với nguyên vẹn hình hài. Đồng thời, hàng nghìn chai nước sốt PERi-PERi của Nando’s cũng đã được trao tặng cho cư dân Bowen trong dịp này, như một cử chỉ cảm ơn nhỏ vì sự hài hước và hỗ trợ tốt đẹp với thương hiệu của họ. Giám đốc PR Jude Leon của Nando's nhìn nhận “Nước Úc là một quốc gia thích cười, đầy hiếu khách, và tôi nghĩ đó chính xác là mục đích của điều đã diễn ra”.

traicay3.jpg

Sự biến mất trong một đêm của ‘xoài khổng lồ’ hồi ấy đã thu hút trí tưởng tượng của nhiều người dùng mạng xã hội tại Úc, đồng thời cũng đã khiến phần lớn giới truyền thông Úc lẫn quốc tế chú ý đến vụ việc ngay từ khi có thông tin ban đầu.

Sự kiện gây ầm ĩ này về sau được giới chuyên ngành truyền thông và marketing thương hiệu của nước Úc và quốc tế đánh giá là một cuộc chơi lớn, bằng cách thức phối hợp chặc chẽ và liên hoàn giữa một nhãn hàng bản địa với du lịch đầy bản sắc địa phương của nước Úc.

Tại Việt Nam, từng có một địa phương là huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã từng thực hiện Cổng chào ở địa phận đầu tỉnh vào năm 2018, với câu slogan “Phấn khích trên từng múi quýt”, tự hào giới thiệu về thứ trái cây đặc sản của địa phương này, góp phần đẩy mạnh tiềm năng du lịch bản địa.

Châu Quang Phước