Chuyên đề

Xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa cơ quan công quyền với doanh nghiệp: Phải minh bạch thủ tục hành chính

Hồng Nga - Tâm An 14/4/2024 12:00

TP.HCM đang xây dựng nền công vụ, hành chính phù hợp với vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Muốn vậy, phải cải thiện nhiều vấn đề, trong đó có mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với doanh nghiệp (DN).

Nhiều bất cập cần giải quyết

Tại tọa đàm “Xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa cơ quan công quyền với doanh nghiệp” do Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 4/4 vừa qua, nhiều doanh nhân đã chỉ ra những bất cập và nêu giải pháp để TP.HCM đạt được mục tiêu các cấp chính quyền đồng hành cùng DN để phát triển kinh tế.

Nghị quyết số 41-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ DN trong tình hình mới được quán triệt đến các cấp uỷ Đảng và chính quyền để tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân, lực lượng doanh nhân phát huy vai trò trong xây dựng và phát triển đất nước. Để hỗ trợ DN phát triển bền vững, TP.HCM có nhiều chương trình hành động cụ thể về cải cách thủ tục hành chính, thu hút vốn đầu tư… nhưng trên thực tế, DN vẫn gặp nhiều trở ngại khi phải làm việc với các cơ quan công quyền.

hinh-chung-1.jpg

Theo ông Nguyễn Ánh Tâm - Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh Tâm, người dân và DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là quy định, thủ tục về thuế khó hiểu và khó tiếp cận. DN tự kê khai, tự kiểm tra, đối chiếu hồ sơ chứng từ để nộp hay hoàn thuế, nhiều khi không biết làm thế nào, vì vậy mà phát sinh “mối quan hệ mập mờ” giữa người làm công vụ và DN. DN càng lớn cần quan hệ với chính quyền càng rộng. DN kinh doanh nhiều ngành nghề thì càng có nhiều mối quan hệ với nhiều ngành, nhiều cấp.

Không chỉ vậy, ông Phạm Trọng Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Titanium Wine cho rằng, ở mỗi nhóm ngành nghề có cách làm việc với chính quyền khác nhau. Chẳng hạn như ở lĩnh vực bất động sản, thủ tục giấy tờ gắn với nhiều cấp, như Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Quản lý đô thị... Mỗi nơi lại thực hiện thủ tục hành chính mỗi khác khiến DN lúng túng và nhiều khi không biết phải làm thế nào. Nhưng, nếu DN có chút “quan hệ” thì mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Ông Hồ Quang Hưng - Giám đốc Công ty Thương mại MF (Ywines.com) nói thêm, nhiều bộ luật cứ vài năm lại thay đổi, lại không sát thực tế nên gây khó khăn cho DN và cả với chính quyền các cấp khi phối hợp thực hiện. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nhà hàng, Nhà nước khuyến khích DN kết nối máy tính tiền trực tiếp với cơ quan thuế để kiểm soát hóa đơn đầu ra nhưng chưa thể áp dụng, trong khi nhiều nước đã triển khai việc này thông suốt. Muốn làm được vậy, phải có hóa đơn đầu vào của nguyên liệu, mà loại hoá đơn này hầu như chưa có. Nếu áp dụng theo đề nghị của cơ quan Nhà nước sẽ khiến thuế VAT tăng, thiệt hại cho DN. Sự thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật, sự thay đổi quá nhanh của nhiều chính sách cùng với “thiên la địa võng” thủ tục hành chính khiến DN càng gặp khó.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí - Tổng giám đốc Công ty Vincy: “Thời gian qua, Vincy đã “khốn khổ” với quy định phòng cháy chữa cháy. Quy định mới với nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo khiến nhiều nhà hàng khó có thể đáp ứng được. Tôi biết nhiều DN muốn đóng cửa nhà hàng, quán karaoke vì không thể đáp ứng được quy định của Nhà nước về phòng cháy chữa cháy”.

Nhiều doanh nhân cho rằng, xét về mặt tích cực, mối quan hệ giữa các cấp chính quyền và DN giúp hai bên hiểu nhau, đặc biệt là khi luật pháp và các quy định chưa thể bao quát hết các ngóc ngách của hoạt động kinh tế. Nếu có mối quan hệ này, DN có cơ hội chỉ ra những khiếm khuyết của chính sách trong quá trình thực thi, cán bộ có điều kiện kiểm tra, giám sát và đề xuất điều chỉnh kịp thời những lỗ hổng chính sách để công tác quản lý nhà nước ngày càng hoàn thiện. Trên thực tế, bên cạnh mặt tích cực còn có không ít tiêu cực. Tình trạng nhũng nhiễu DN ở những bộ phận công vụ lĩnh vực thuế, bảo hiểm, đất đai, nhà xưởng (nhất là cấp sổ hồng, sổ đỏ), hải quan… vẫn còn diễn ra. Đó là những ngành sử dụng quyền lực nhiều nhất, dễ nhũng nhiễu và… “ăn chia” nhiều nhất. Vì vậy Nhà nước phải giám sát, điều chỉnh hành vi của công chức các cơ quan này. Để minh bạch hóa mọi thứ, nên đưa thủ tục hành chính mọi lĩnh vực lên trang thông tin điện tử để người dân và DN cùng biết, cùng thực hiện. Khi đó mọi thứ sẽ minh bạch và mối quan hệ giữa DN và nhân viên cơ quan công quyền sẽ trở nên bình đẳng.

Xây dựng chính quyền số

TP.HCM đang hoàn thiện Đề án Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM đặt ra yêu cầu xây dựng một nền công vụ, hành chính tiên tiến phục vụ người dân, kiến tạo phát triển như là kim chỉ nam. Cụ thể, phải tập trung cải cách thể chế, bộ máy, con người, công nghệ, phương tiện…

Một trong những giải pháp để hoàn thành mục tiêu này là thực hiện chuyển đổi số, hướng đến chính quyền số. Cuối năm 2023, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản xây dựng chính quyền số TP.HCM hướng tới hiện đại, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong quản trị thành phố và cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư. Với chính quyền số, quy trình giải quyết thủ tục hành chính từng bước phải tự động hóa giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí và thủ tục.

TP.HCM đang theo hướng minh bạch hóa mọi thủ tục hành chính, quy định rõ thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết; việc thực hiện thủ tục hành chính phải qua online. Tuy nhiên, chuyển đổi số hướng đến chính quyền số vẫn trong giai đoạn đầu, chưa hoàn thiện và vì vậy vẫn còn… vướng.

Kể chuyện gặp khó khi khách du lịch làm giấy xác nhận cư trú, ông Trương Gia Khánh - Giám đốc Công ty Du lịch Việt An (Viantravel), nói, việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Bởi từ khi bỏ sổ hộ khẩu, muốn xác định cư trú, người dân phải lên công an phường làm giấy. Thế nhưng công an phường lại hướng dẫn lên Cổng thông tin quốc gia tạo tài khoản và điền theo mẫu. Với những người trên 60 tuổi không dễ làm việc ấy, bắt buộc họ phải tìm cách “quan hệ” với công chức để có đủ thủ tục.

TP. Thủ Đức đã “số hóa” nhưng khi ông Phạm Trọng Phú nộp hồ sơ qua mạng cho dự án vẫn cứ gặp trục trặc, không gặp được nhân viên công vụ để được hỗ trợ, và như vậy là đẻ ra “dịch vụ nhờ vả”.

Ông Tâm cũng khẳng định, là một người am hiểu về công nghệ nhưng không dễ thực hiện khi thao tác trên Cổng thông tin quốc gia. Vì thế vẫn có tình trạng “quan hệ không minh bạch” với cơ quan công quyền.

“Muốn bỏ chữ “quan hệ” phải hình thành chính quyền số. Phải xây dựng chính quyền số thực chất. Khi đã mở ra cổng thông tin điện tử thì cổng thông tin điện tử phải thông suốt, văn bản rõ ràng, minh bạch, không giấu giếm thông tin”, ông Tâm kiến nghị.

Theo nhiều doanh nhân, số hóa thủ tục hành chính cần phải làm đồng bộ chứ không phải nửa vời, lại mất thêm người giải quyết công việc, tức là phải có “mối quan hệ” giữa công chức và DN. Và như vậy thì khó triệt tiêu mối quan hệ không lành mạnh.

Để doanh nghiệp phát triển bền vững

Thời gian qua, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN về thuế, bảo hiểm, vay vốn, giãn nợ… và đề xuất nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Để phát triển bền vững, bên cạnh đầu tư máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại, các DN lớn còn xây dựng hẳn bộ phận chuyên trách giải quyết các vấn đề với chính quyền. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng như vậy không đáng, và các DN nhỏ và vừa (SMEs) lấy đâu ra kinh phí để đầu tư cho bộ phận này. Theo ông Tâm, nếu DN có xây dựng “quan hệ” với cơ quan công quyền thì được giải quyết mọi việc, còn không thì không giải quyết hay sao?! Vì vậy, không nên xây dựng mối quan hệ giữa DN và cơ quan công quyền theo kiểu “mập mờ” như đề cập. “Thành phố không thể phát triển được nếu chỉ dựa vào quan hệ như vậy”, ông Tâm nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho biết, hiện Thành phố đang triển khai Nghị quyết 98, chính quyền đô thị… và cần phải xây dựng nền công vụ loại bỏ cơ chế xin - cho. Cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.

Để phá bỏ mối quan hệ theo kiểu xin - cho, ông Quang Hưng kiến nghị nên xây dựng mối quan hệ công bằng cho cả hai bên (chính quyền và DN), Thành phố nên tập trung nhiều hơn cho các hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là Hiệp hội DN TP.HCM. Cần thiết bổ sung ngân sách hoạt động cho các hội DN ở các quận huyện để có thể có những hoạt động hiệu quả cho các DN nhỏ. Qua đó làm cầu nối cho mối quan hệ với chính quyền tốt hơn, khách quan hơn và khoa học hơn.

Còn theo ông Trương Gia Khánh, DN không thể không có mối quan hệ với các các cấp chính quyền. Câu nói “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã nói lên sự gắn kết cũng như vai trò giữa chính quyền và DN. Nhưng đi với nhau như thế nào, đồng hành với nhau ra sao mới là quan trọng, ví dụ như thủ tục hành chính phải được cải thiện để ngày càng tinh gọn, đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả”.

Bên cạnh việc phá bỏ cơ chế xin - cho, bản thân các DN phải tự hoàn thiện, nâng cấp hoạt động, đầu tư trang thiết bị với công nghệ hiện đại, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp... mỗi DN nên có định hướng phát triển, có cách làm riêng, không nên lệ thuộc vào mối quan hệ với cơ quan nhà nước. “Chuyển đổi số là nhu cầu bức thiết, tuy nhiên, hiện nay mọi thứ vẫn đang giai đoạn đầu và cần khắc phục, nhất là phần mềm hoạt động cần ổn định, nên làm tập trung để tránh lãng phí”, ông Phan Chí Cường - Giám đốc Công ty CP Truyền thông xúc tiến thương hiệu Ngọc Việt góp ý kiến.

Ông Phan Chí Cường - Giám đốc Công ty CP Truyền thông xúc tiến thương hiệu Ngọc Việt

ong-phan-chi-cuong.jpg

TP.HCM đang thực hiện chuyển đổi số, những trường hợp tôi tiếp xúc đa phần đều tốt, hỗ trợ DN nhiều, tạo sự khách quan, dễ dàng cho DN khi có việc phải lên cơ quan công quyền.

Ông Hồ Quang Hưng - Giám đốc Công ty Thương mại MF

ong-ho-quang-hung.jpg

Nhiều chính sách ban hành vẫn còn bất cập gây khó cho DN. Vì vậy, tôi mong rằng, trước khi ban hành Luật, cần rà soát và thấu hiểu hết những yếu tố bất cập để DN khi thực thi không bị vướng và bị “mòn sức” chạy theo Luật.

Ông Trương Gia Khánh - Giám đốc Công ty Du lịch Việt An

ong-truong-gia-khanh.jpg

Tại Mỹ, DN không có mối quan hệ với cơ quan công quyền như Việt Nam vì mọi thứ rất rõ ràng, minh bạch, tất cả đều tự động hóa, số hóa. Muốn làm được như vậy, Việt Nam phải chuyển đổi số một cách triệt để và toàn diện. Muốn vậy, phải có hành lang pháp lý và cơ chế thật rõ ràng thì mới không có mối quan hệ mập mờ giữa nhân viên cơ quan công quyền với DN, với người dân...

Ông Phạm Trọng Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Titanium Wine

ong-pham-trong-phu.jpg

Kinh doanh bất động sản 20 năm nhưng với sự thay đổi thủ tục, quy định, nhiều khi tôi không biết làm sao để thực hiện. Nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM cũng vì sự thay đổi chính sách mà không được cấp giấy phép xây dựng. Cần có một cơ quan Nhà nước đứng ra giải quyết, tư vấn, hỗ trợ người dân, DN trong những công việc liên quan đến giấy tờ nhà đất.

Ông Nguyễn Ánh Tâm - Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh Tâm

ong-nguyen-anh-tam.jpg

Trong quan hệ với chính quyền cần có sự “tương tác”, không phải xin - cho. Chính quyền (ví dụ như Sở Kế hoạch và Đầu tư) cũng giống như một DN, cũng phải thực hiện KPI một tháng là bao nhiêu thủ tục hành chính được giải quyết, phải cấp bao nhiêu giấy chứng nhận kinh doanh.
Tôi đề nghị trong đơn gửi chính quyền, không dùng từ “Đơn xin xác nhận” mà phải là “Đơn xác nhận”. Bỏ từ “xin” để mối quan hệ trở nên ngang hàng.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Tổng giám đốc Công ty Vincy

ong-nguyen-huu-tri.jpg

Theo tôi biết, tại Trung Quốc, chính quyền và DN kết nối rất tốt và mọi thứ đều được số hóa. Nên học tập cách làm của họ, mỗi khi ra luật mới nên truyền thông hiệu quả để người dân hiểu và thực thi...

Hồng Nga - Tâm An