Văn hóa - Giải trí - Du lịch

AI đánh cắp cảm xúc

Nguyễn Thúy Hằng (*) 14/4/2024 6:30

Khi search từ khoá “AI” (trí tuệ nhân tạo), Google cho ra 14.570.000 kết quả trong vòng 0.26 giây. Con số này chứng tỏ AI không còn là một khái niệm xa vời mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, từ công việc cho đến giải trí.

Tuy nhiên, AI cũng tồn tại những mối lo ngại tiêu cực có thể gây ra cho xã hội, khi mà sự phụ thuộc vào nó dần trở nên mất kiểm soát. Đây cũng là những nội dung mà cuốn “AI đánh cắp cảm xúc?” sẽ làm sáng tỏ qua từng trang sách.

Với 68 đề mục thời sự, nóng bóng, AI đánh cắp cảm xúc của tác giả Phạm Sông Thu dẫn dắt người đọc vào một hành trình khám phá sức mạnh và cả những mặt trái của AI trong xã hội hiện đại.

thumbnail-671-tr28.jpg

Thật khó để không bị cuốn hút bởi cách mà AI đánh cắp cảm xúc cung cấp góc nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và công nghệ AI trong kỷ nguyên số. Qua từng trang sách, chúng ta được nhắc nhở về sức mạnh của việc xây dựng niềm tin, độ tin cậy và sự khác biệt thông qua thương hiệu cá nhân phần này không chỉ là lời khuyên cho những ai đang tìm cách nâng cao giá trị bản thân trong thị trường lao động mà còn cho bất kỳ ai muốn tạo dựng một ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội và ngoài đời thực.

Một điểm làm nên sự thu hút của cuốn sách là việc đề cập đến mối quan hệ giữa AI và “fake news”. Tác giả không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quan về cách thức lan truyền của tin giả trong môi trường số mà còn đề xuất những biện pháp cụ thể để đối phó và quản lý thông tin một cách hiệu quả, bảo vệ hình ảnh thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp trong không gian mạng.

AI đánh cắp cảm xúc? đã mạnh dạn chạm vào những khía cạnh sâu sắc và phức tạp của công nghệ Blockchain, VR (Thực tế ảo), và AR (Thực tế tăng cường), mang đến một góc nhìn toàn diện về cách chúng tái cấu trúc lĩnh vực truyền thông.

Trải qua từng trang của AI đánh cắp cảm xúc?, độc giả sẽ dần thấm thía sâu sắc từng lớp ý nghĩa mà Phạm Sông Thu muốn truyền tải. Phong cách viết của Phạm Sông Thu trong cuốn sách này gần gũi và dễ hiểu, pha chút suy tư và trăn trở về tương lai của con người trong thời đại AI. Cuốn sách kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp người đọc hiểu được bản chất đa chiều của AI, từ những lợi ích không thể phủ nhận đến những thách thức và nguy cơ tiềm ẩn. Tác giả đã mô tả cách mà công nghệ AI, đặc biệt là ChatGPT, đã và đang được ứng dụng trong các lĩnh vực như truyền thông, marketing và xây dựng thương hiệu cá nhân, qua đó mở ra những cơ hội mới và cũng như thách thức mới.

AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là một phần quan trọng trong việc xác định và truyền đạt giá trị thương hiệu. Thông qua việc sử dụng ChatGPT, người dùng có thể tạo ra nội dung độc đáo, phát triển chiến lược marketing, và thậm chí tương tác với khách hàng một cách thông minh và hiệu quả. AI giúp tối ưu hóa nội dung và SEO, tăng cường khả năng tương tác với khách hàng, và giảm thiểu chi phí cho các chiến dịch marketing. Cuốn sách cũng cảnh báo về sự phụ thuộc quá mức vào AI, có thể dẫn đến việc giảm chất lượng nội dung và mất đi sự độc lập của báo chí. Nội dung này phản ánh một cái nhìn sâu sắc và cân nhắc về vai trò của AI trong xã hội hiện đại, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết của con người trong việc học hỏi và thích nghi với công nghệ để không bị lạc hậu.

Tuy AI có khả năng thực hiện một số nhiệm vụ hiệu quả hơn con người, nhưng không thể hoàn toàn thay thế được vai trò của con người trong các lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy phản biện và các kỹ năng mềm. Điều này đặt ra yêu cầu cho con người phải không ngừng nâng cao kỹ năng và kiến thức về AI để duy trì sự cạnh tranh trên thị trường lao động.

(*) Chuyên viên PR Tập đoàn Hòa Phát

“AI đánh cắp cảm xúc?” là một cuốn sách của chuyên gia truyền thông Phạm Sông Thu nói về những tác động của công nghệ AI đối với ngành truyền thông đại chúng. Tác phẩm mới vừa ra mắt công chúng vào giữa tháng 3 năm 2024, do NXB Dân trí và Công ty HanoiBooks ấn hành.

Nguyễn Thúy Hằng (*)