---- Kinh doanh

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: "Sân bay Long Thành là tương lai của Sasco"

Nguyễn An 13/4/2024 6:00

Đây là khẳng định của ông Johnathan Hạnh Nguyễn- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Chia sẻ tại đại hội, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, năm 2023, ngành hàng không nói chung và thị trường của Sasco nói riêng vẫn phải đối mặt những thách thức đáng kể do tác động của dịch bệnh Covid-19 và các xung đột địa chính trị.

10-4-sas-anh-chu-tich-2-2024041016122469.png
Cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 của Sasco

Năm 2023, tổng doanh thu của SASCO đạt 2.762 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 334 tỷ đồng, tăng 22% so với kế hoạch. Nộp ngân sách đạt 100 tỷ đồng, tăng 54% so với kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.889 đồng/cổ phiếu, tăng 21% so với kế hoạch. Kết quả trên là một điểm sáng trong cơn gió ngược, khẳng định những bước đi đúng đắn trong chiến lược phát triển của Công ty.Tổng tài sản Sasco tính đến 31/12/2023 là 2.249 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, dự báo ngành hàng không và Sasco sẽ tiếp tục đối mặt với sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu so với năm 2023 do các yếu tố bất ổn từ xung đột chính trị và rủi ro trong thị trường tài chính toàn cầu.

Dù vậy, Sasco vẫn đặt mục tiêu năm 2024 doanh thu thuần đạt 2.903 tỷ đồng, tăng 5% so với 2023. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.788 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 343 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước.

Kế hoạch kinh doanh 2024 của Công ty dựa trên cơ sở mục tiêu sản lượng hành khách tăng nhẹ của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất: sản lượng khách đi và đến sẽ đạt 42 triệu lượt, tăng 104% so với năm 2023.

Ngoài ra, Sasco tập trung vào bán hàng miễn thuế, phòng chờ và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới và tăng cường phát triển các hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tận dụng cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Sasco cũng đang xúc tiến mở cửa hàng miễn thuế (duty free shop – DFS) ngay tại Việt Nam. Gần đây nhất, Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (CDF - thành viên của CTG) đã ký kết hợp tác phát triển thị trường du lịch mua sắm giữa hai nước với IPPG.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết: "4 công ty lớn về DFS trên thế giới có ý muốn hợp tác với chúng tôi để mở rộng hợp tác. Việc phục hồi của DFS dựa vào khách quốc tế, trong khi hiện tại ngành kinh doanh DFS của Sasco cũng như của các công ty khác chưa được mong muốn. Nguyên nhân do khách Trung Quốc chưa đến nhiều, trong khi khách Trung Quốc lại là nhóm chi tiêu nhiều nhất". Đồng thời, ông Johanthan Hạnh Nguyễn cũng tiết lộ kế hoạch mở cửa hàng miễn thuế tại trung tâm.

10-4-sas-anh-chu-tich-20240410161557264.jpg
Chủ tịch Sasco Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết tương lai của Sasco đặt tại sân bay Long Thành

Nói về mặt cạnh tranh, ông Hạnh cho rằng, Sasco có cơ hội tham gia kinh doanh tại Long Thành cùng các đối thủ khác. Công ty có tài chính và IPPG sẽ hỗ trợ nếu cần thiết và hiện có nhiều đối thủ chứ không mang tính độc quyền. "Song, Sasco có ba thế mạnh: kinh nghiệm 30 năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, sở hữu 138 thương hiệu của đối tác chiến lược IPPG và nguồn nhân sự chất lượng hàng ngàn người. Ba yếu tố này sẽ được công ty tập trung, củng cố, phát triển tại T3 và Long Thành”, Chủ tịch Sasco nhận định.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông và Ban lãnh đạo Sasco vẫn chưa biết về khả năng có được tham gia tại các dự án T3 và Long Thành hay không, và thị phần nếu được tham gia là bao nhiêu để đưa ra dự phóng về doanh thu, lợi nhuận. Dù vậy, Sasco sẵn sàng đón đầu cơ hội phát triển tại Sân bay Quốc tế Long Thành.

Đại hội cũng thống nhất 100% bầu Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 5 thành viên: Ông Nguyễn Văn Hùng Cường, ông Nguyễn Hạnh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, bà Lê Thị Diệu Thúy và ông Lê Anh Tuấn.

Nguyễn An