Diễn đàn

Phát triển đội ngũ doanh nhân: Từ chính sách đến thực tiễn

TS. Nguyễn Thị Oanh 12/04/2024 12:27

Quán triệt và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, các cấp, các ngành ở TP.HCM đã hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp (DN), phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố…

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ doanh nhân

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 với công cuộc đổi mới nền kinh tế được coi là dấu mốc “hồi sinh” đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới. Năm 1990 với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam chính thức tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân không chỉ là thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới mà đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.

lang-kinh-2.jpg
Giai đoạn hội nhập đội ngũ doanh nhân được ví như đội thuyền thúng vươn ra biển lớn

Đại hội Đảng lần thứ X tiếp tục thể hiện sự chuyển biến trong quan điểm của Đảng khi đề cao vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân. Lần đầu tiên Đảng khẳng định việc “tôn vinh doanh nhân có tài, có đức và thành đạt”. Điều này chứng tỏ, Đảng đã coi giới doanh nhân như một lực lượng ưu tú của xã hội.

Tiếp tục những chuyển biến trong các kỳ đại hội trước, Đại hội Đảng lần thứ XI chính thức xem doanh nhân là một đội ngũ - đội ngũ doanh nhân và trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong cơ cấu giai tầng của xã hội Việt Nam hiện đại.

Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, Ðảng xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Ngày10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TƯ Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, nêu rõ quan điểm đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quán triệt và triệt khai chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, các cấp, các ngành ở TP.HCM đã hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Thành phố đã có nhiều quyết sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển các loại hình DN, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố…

Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành năm 2011, cấp ủy, chính quyền Thành phố đã bám sát Nghị quyết, triển khai hàng loạt những giải pháp để nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân trên địa bàn thông qua Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU ngày 21/1/2012 của Thành ủy, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế..

Trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân. Đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận xã hội về vị trí, vai trò của doanh nhân, DN trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, UBND Thành phố đã tập trung cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Chú trọng cung cấp kiến thức pháp luật, thông tin về thị trường, về khoa học công nghệ cho DN, đặc biệt giúp đỡ DN đẩy mạnh chuyển đổi số. Hằng năm, Thành phố đều vinh danh doanh nhân, DN làm ăn giỏi, có trách nhiệm đóng góp cho an sinh xã hội.

Thực trạng phát triển đội ngũ doanh nhân TP.HCM

Những năm qua, cùng với đội ngũ doanh nhân cả nước, doanh nhân TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng nâng cao, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU, số lượng, quy mô DN ngày càng tăng, nhiều DN xây dựng thương hiệu có uy tín, sản phẩm ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, có trách nhiệm cao với xã hội, với môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Không ít DN không chỉ vì hiệu quả kinh doanh đơn thuần mà còn vì trách nhiệm bảo đảm việc làm cho người lao động. Trình độ đội ngũ doanh nhân đã được nâng lên cả về quản trị DN và hiểu biết pháp luật, đã xuất hiện một số doanh nhân, DN tầm cỡ khu vực. Nhiều doanh nhân đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đội ngũ doanh nhân TP.HCM tham gia ngày càng đông đảo vào hội DN, hội ngành hàng, các tổ chức xã hội. Đội ngũ doanh nhân còn là cầu nối quan trọng giữa nền kinh tế Việt Nam và kinh tế các nước.

Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân TP.HCM hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế, số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít, tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu, chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân.

Mặt khác, một bộ phận doanh nhân thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu tinh thần liên kết, hợp tác để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị

DN, dẫn đến bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Hiện nước ta chưa có nhiều doanh nhân đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để tự tin đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác với đối tác nước ngoài.

Đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân TP.HCM

Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền để làm thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển TP.HCM. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển DN và đội ngũ doanh nhân trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bản thân DN phải nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm, sự gắn bó giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN. Đồng thời hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế... Bảo đảm pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ...

Thứ ba, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những DN, doanh nhân làm ăn chân chính, thành đạt trong kinh doanh, đóng thuế đầy đủ, đồng thời kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Thứ tư, khuyến khích thành lập hội doanh nghiệp, hội ngành nghề, câu lạc bộ doanh nhân nhằm tập hợp, thu hút đông đảo doanh nhân tham gia. Theo đó, các tổ chức hội đoàn cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực sự là cầu nối, là đại diện của doanh nhân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nhân. Đồng thời, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất và quan tâm đến hoạt động của hiệp hội DN và hội ngành hàng.

Thứ năm, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân về quản trị, kinh doanh trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thởi, chú trọng hun đúc tinh thần cống hiến cho dân tộc, chuẩn mực văn hóa, đạo đức, ý thức thượng tôn pháp luật, trách nhiệm với sự phát triển xã hội đối với doanh nhân.

Thứ sáu, có cơ chế giám sát, xử lý hành vi sai trái, vi phạm đạo đức của doanh nhân, DN bằng pháp luật, cũng như bày tỏ thái độ phản kháng mạnh mẽ trước những hành vi sai trái với các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa DN.

(*) Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Chính trị và Phát triển

Cục Thống kê TP.HCM cho biết trong quý I/2024, TP.HCM có 16.161 doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Trong đó, từ đầu năm đến ngày 20/3, có 11.000 doanh nghiệp tại TP.HCM được cấp phép thành lập với vốn đăng ký đạt 93.837 tỷ đồng, tăng 12,4% về giấy phép và tăng 5,6% về vốn so với cùng kỳ.

TS. Nguyễn Thị Oanh