Thay đổi, bắt đầu từ cơ chế
Mối quan hệ giữa cơ quan công quyền và doanh nhân vốn được xem như mối quan hệ hòa quyện, cùng song hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Thế nhưng, ở khía cạnh khác, cũng từ mối quan hệ này lại có nhiều bất cập dẫn doanh nghiệp (DN) đến khó khăn, bị kìm hãm sự phát triển, sáng tạo, kinh doanh không chân chính, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cơ chế dẫn đến hành vi
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DN Nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DN Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội” diễn ra ngày 24/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: “Quan hệ giữa Nhà nước và DN có sự tách bạch, nhưng cũng có mặt hòa quyện. Hòa quyện là Nhà nước tạo không gian, hệ sinh thái phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho DN. Và DN tích cực, chủ động cùng Nhà nước nhân rộng, thúc đẩy hệ sinh thái tốt hơn, đóng góp tốt hơn".
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận, thể chế và cơ chế chính sách còn vướng mắc, cần được tháo gỡ. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN, môi trường pháp lý, hệ sinh thái vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, còn bất cập, cần giải quyết.
Từ những bất cập cần giải quyết, nhìn lại các phiên tòa xét xử doanh nhân gần đây, nhiều câu hỏi đặt ra: Vì đâu số doanh nhân vi phạm pháp luật nhiều đến vậy? Lỗ hổng Luật pháp, đạo đức doanh nhân hay mối quan hệ giữa DN và cơ chế đã tạo ra nhiều “luật lệ” từ công chức, viên chức của các cơ quan quản lý công quyền, dẫn đến nhiều doanh nhân vi phạm pháp luật.
Nhìn lại các đại án vừa qua, dễ nhận thấy lời khai phạm tội của các bị can doanh nhân đều chung một mẫu số: “Vẫn biết hối lộ là phạm tội nhưng không “lót tay” thì việc “không xong”, không “phong bì” thì việc kinh doanh không “chạy”. Chưa kể, một số phạm tội còn do cơ chế. Nhiều doanh nhân khi bị HĐXX thẩm vấn đều trả lời rằng, họ không còn sự lựa chọn nào khác là phải "hối lộ" nếu không muốn phá sản.
Ở nhiều vụ đại án gần đây như vụ “Chuyến bay giải cứu”, nhiều bị can cũng trả lời: “Trong lúc dịch cao điểm, việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước rất khó khăn. Để được cấp phép, họ phải hối lộ. Không có lót tay, có nghĩa hồ sơ của DN sẽ bị "ngâm" vô thời hạn. Vì việc cấp phép quá khó, gây chậm trễ nên phải “làm theo” yêu cầu của một số công chức ở các cơ quan công quyền”.
Chính vì biết rõ, nếu không đi “cửa sau”, thiệt hại còn lớn hơn gấp nhiều lần so với chuyện hàng bị ngâm và mất uy tín với đối tác, thậm chí còn có nguy cơ bị kiện ra tòa và bồi thường hợp đồng gấp nhiều lần so với số tiền “lót tay” cho quan chức nên họ buộc phải làm những điều vi phạm đạo đức và pháp luật.
Tương tự thế, bị cáo Lê Hồng Sơn - Tổng giám đốc Công ty Blue Sky cũng nói mình là nạn nhân của "văn hóa phong bì".
Không phải chỉ riêng bị cáo Lê Hồng Sơn mà tất cả các bị cáo là chủ DN trong nhóm đưa hối lộ vụ án chuyến bay giải cứu đều có chung tình trạng, hoàn cảnh như nhau. Đó là phải theo "luật" xin - cho, phải bôi trơn, phải đút lót.
Trước tòa, ông Sơn cũng khẳng định, doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì, nạn nhân của thiếu hiểu biết.
Người viết bài này, cũng từng nghe một vài doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản rỉ tai nhau: “Cải cách hành chính có cải thiện, nhưng vẫn chậm và bị hẹn tới hẹn lui, nếu không có “lệ” “under the table”(lót tay).
Từ những vụ án và dẫn dụ trên cho thấy, cần phải sớm có cơ chế hành chính rõ ràng, công khai, minh bạch thì DN mới không bị làm khó và tình trạng vi phạm pháp luật do cơ chế cũng khó xảy ra.
Cải cách nền công vụ, 7 điều TP.HCM cần làm
Ngày 4/4 vừa qua, TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học về Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu quả giai đoạn 2024-2030 do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì. Tại hội thảo, PGS-TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore đã đóng góp 7 vấn đề mà TP.HCM cần hoàn thiện để xây dựng được một bộ máy công quyền ưu tú, có hiệu năng cao.
Đầu tiên, xây dựng bộ máy chính quyền ở TP.HCM, hiệu quả phải là thí điểm mang tính quốc gia. Đây là vấn đề lâu dài, có tính chiến lược và tổng thể.
Thứ 2, TP.HCM phải có 3 yếu tố là năng lực, động lực và tổng lực, trong đó, yếu tố tổng lực đặc biệt quan trọng. Theo ông Khương, trong thiết kế bộ máy công quyền, Singapore đặc biệt coi trọng yếu tố "tổng lực" thay vì chỉ chuyên tâm vào năng lực và động lực. Nhờ đó, khi DN, người dân, hoặc cả nền kinh tế có yêu cầu hỗ trợ, cả hệ thống chính quyền sẽ vào cuộc. Đặc biệt trong thiết kế cấu trúc, phân định rõ trách nhiệm, chia sẻ thông tin và quy trình ra quyết định.
Thứ 3, là thiết kế bộ máy. Để tạo nên một bộ máy công quyền có hiệu năng cao, Singapore lập ra gần 70 Cục tác nghiệp (CTN). Mỗi CTN được giám sát và có quan hệ tương tác chặt chẽ với bộ chủ quản, trong khi chịu hoàn toàn trách nhiệm lĩnh vực mình phụ trách. CTN này có vai trò đề xuất chính sách, còn bộ chủ quản thì có trách nhiệm giám sát về chiến lược, cũng như quy trình.
Mỗi CTN hoạt động như DN, có hội đồng quản trị riêng và chiến lược thực thi rõ ràng. Nhờ cơ chế này, CTN có thể chủ động huy động vốn, thuê nhân sự giỏi (kể cả nước ngoài) để thực hiện trọng trách được giao.
Điều đặc biệt là mỗi CTN đều có báo cáo hằng năm cho công chúng với chất lượng rất cao về những gì họ đã làm được, chiến lược triển khai tiếp theo và thực trạng chi tiêu tài chính. Tính minh bạch này giúp giảm thiểu nguy cơ tham nhũng và loại bỏ bổ nhiệm người thiếu phẩm chất và năng lực vào cương vị đứng đầu.
Ngoài ra, hội đồng quản trị của mỗi CTN, gồm những người ưu tú, không chỉ từ Chính phủ, mà cả từ doanh nghiệp tư nhân và các trường đại học. Nhờ đó, CTN có thể gắn kết sâu với bộ chủ quản trong xây dựng và thực thi chiến lược ở lĩnh vực mình phụ trách rất hiệu quả.
Vấn đề thứ 4 là đãi ngộ. Công thức của Singapore rất đơn giản: Dùng mặt bằng của thị trường để xác định tiền lương của công chức, có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Yếu tố phẩm giá cũng rất quan trọng. Phải làm sao người công chức thấy tự hào vì họ đang góp phần đưa đất nước đến phồn vinh, đồng thời có cơ chế để họ cảm thấy đặc biệt an toàn trong thực thi nhiệm vụ.
Yếu tố thứ 5, TP.HCM phải làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành; đề nghị các bộ, ngành, Chính phủ cần cử những đội ngũ tinh nhuệ sát cánh, hỗ trợ Thành phố.
Vấn đề thứ 6, xây dựng bộ máy không phải cho một ngày, mà phải giải quyết bằng những bài toán cụ thể, gọi là kiến tạo. Bộ máy công quyền ưu tú được xây dựng nên từ những dự án ưu tiên chiến lược, như xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, thúc đẩy chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, quản lý đô thị.
Thứ 7, TP.HCM phải xác định tâm thế của người chiến sĩ tiên phong mở đường. Nghĩa là, tự mình vươn lên trước, trong khi kêu gọi cả nước đồng hành và giúp sức.