Kinh doanh

Doanh nghiệp đã thực sự sẵn sàng chuyển đổi kép?

K.Hưng 11/04/2024 - 14:52

Trong báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp (DN) vừa được công bố, vấn đề nổi bật là kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh hay còn gọi là chuyển đổi "kép". Đây là yêu cầu cấp bách đối với DN nhằm đảm bảo mục tiêu kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội.

Báo cáo năm nay đã phân tích mức độ sẵn sàng (MĐSS) của các DN (chủ yếu là vừa và nhỏ - SMEs) năm 2023, khía cạnh về định hướng chiến lược được ghi nhận có MĐSS chuyển đổi số cao nhất thể hiện việc các doanh nghiệp đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của DN. Sự hạn chế trong việc chuẩn hóa hệ thống quy trình, chính sách hoạt động, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu, kết nối hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cũng như nguồn lực đầu tư của DN SMEs tới MĐSS chuyển đổi số của các khía cạnh chuỗi cung ứng và hệ thống CNTT và quản trị dữ liệu hiện ở ngưỡng thấp nhất trong 7 khía cạnh.

screenshot-2024-04-09-155513(1).png
Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trên 7 khía cạnh của DN Việt Nam

Thêm vào đó, kết quả đánh giá MĐSS ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7 – 1.4 điểm so với năm trước. Các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy DN hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số.

2-4893-1-.jpg
Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số theo ngành

Trong khuôn khổ của buổi công bố báo cáo, Ông Trịnh Văn Biển - Giám đốc Chuyển đổi số Misa nhận định rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, trong đó vấn đề nằm ở việc, mặc dù đã có nhận thức cao hơn nhưng mức độ áp dụng chuyển đổi của các DN SMEs vẫn ở mức áp dụng một phần, và chưa đạt được như yêu cầu đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Tính kết nối trong công tác chuyển đổi số nội bộ rất yếu và thiếu dẫn đến việc chuyển đổi số trong nội bộ không đồng bộ, kém hiệu quả, từ đó không khai thác giá trị mà công tác chuyển đổi số mang lại.

Đồng quan điểm, bà Phạm Hoài Anh - Giám đốc thương mại 1C Việt Nam cho rằng, một bộ phận DN dù quyết tâm nhưng nhìn chung thiếu thông tin hỗ trợ mang tính thực tế về việc chuyển đổi số ra sao, chuyển đổi số như thế nào sao cho hiệu quả và phù hợp nhất với DN của mình.

Đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ, hiện có hơn 8.000 thành viên trên cả nước, với 33 tổ chức hội trực thuộc ở các địa phương. Đa số DN này chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, mới chỉ hiểu đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Điều này dẫn đến việc có những doanh nghiệp đầu tư giải pháp chuyển đổi số song không mang lại hiệu quả.

Về phía các DN TP.HCM, ông Quách Ngọc Long - Giám đốc công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số Workit thông tin rằng, nhiều khách hàng tìm đến công ty ông than thở: "Số chưa xong, xanh đã tới". Dù nhiều DN TP.HCM biết chuyển đổi "kép" là cấp bách, nhưng kinh tế khó khăn, áp lực "sống sót" trên thị trường đè nặng. Các DN lo lắng muốn chuyển đổi xanh cần lộ trình, giải pháp cũng như chi phí không nhỏ. Nên việc sẵn sàng là một chuyện, nhưng việc tiếp tục có những chính sách để tháo gỡ khó khăn, khuyến khích DN thực hiện là điều vô cùng cần thiết trong thời gian tới.

K.Hưng