Kinh doanh

Cà phê tăng giá, tưởng vui hóa buồn

Ý Nhi 10/04/2024 12:21

Giá cà phê tại thị trường trong nước và thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, nhiều chuyên gia nhận định, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 5/2024 và có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024.

Lý giải về nguyên nhân giá cà phê tăng phi mã, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cho rằng, do nhiều lý do tác động nhưng có 3 lý do chính.

Thứ nhất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%. Thứ hai, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao.Thứ ba, hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.

Trong khi người nông dân trồng cà phê vui mừng vì giá cà phê bán cao thì phía doanh nghiệp lại ngược lại. Từ đầu năm đến nay, các DN chuyên chế biến, xuất khẩu cà phê luôn than thở không kịp trở tay vì chưa kịp trữ nguồn cung nguyên liệu, buộc phải mua hàng vào khi giá đang trên đỉnh để thực hiện các hợp đồng đã ký từ trước. Vì thế, nghịch lý là không dám ký đơn hàng mới vì rất khó để đàm phán theo giá tăng.

Lo ngại nhất là nếu tình trạng này kéo dài, các khách hàng mua cà phê lớn trên thế giới sẽ chuyển sang nước khác, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho biết. Ông đánh giá: “Dù phần lớn người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê Robusta của Việt Nam hơn cà phê Robusta conilon của Brazil nhưng với tình hình giá cao mua khó như hiện nay, các DN rang xay cà phê lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần qua Brazil”.

ca-phe.jpg

Kể lại chuyến đi thăm các trang trại cà phê của nông dân trong lúc giá cà phê tăng cao, ông Thông kể: Khi hỏi: “Anh chị có hài lòng về giá này không? Hầu hết câu trả lời là họ muốn giá cao hơn nữa, họ đợi giá vài phiên tăng rồi mới bán”. Câu hỏi tiếp theo: “Các bạn hàng, đại lý, người nông dân có vui và hạnh phúc về giá này không? Rất nhiều băn khoăn hiện trên gương mặt của họ mặc dù giá đang cao, tâm lý nhiều người vẫn đợi giá cao hơn nữa vì ai cũng nói là năm nay cũng không có nhiều cà phê, họ muốn chờ giá tăng thêm”.

Cũng vì giá lên, trên thị trường đã có nhiều hợp đồng “bẻ kèo” giữa doanh nghiệp và nông dân. Một doanh nghiệp xuất khẩu than: “Năm nay các nhà cung cấp top đầu “gãy cánh” gần hết. 45 nhà cung cấp giờ thì chỉ còn 3 và họ không còn tin ai được nữa”.

Thời gian qua, rất nhiều thông tin về các vụ “lật kèo”, bẻ kèo” khi người cung cấp vì giá cao đã thất hứa giao hàng theo hợp đồng hoặc không muốn bán để “chờ giá lên” thu thêm chút lợi khiến nhiều doanh nghiệp “chẳng còn vui”.

Tưởng chừng giá cà phê biến động mạnh và tăng cao đang mang lại lợi nhuận cho người sản xuất và người thu mua, kinh doanh. Nhưng đi liền với đó cũng là những rủi ro, cụ thể là dẫn tới tình trạng thua lỗ, không thể gồng nổi của các doanh nghiệp, đại lý thu mua.

Nhiều đại lý, nhà thu mua, nhất là những đại lý nhỏ trong thời điểm vụ thu hoạch cà phê diễn ra đã gặp rất nhiều khó khăn thậm chí phải phá sản.

Qua tìm hiểu được biết, phần lớn các hợp đồng thu mua cà phê với nông dân là mua bán trước với giá cao, sau đó mới giao hàng. Khi đó, nhiều người có thể dựa vào quy luật giá cả mặt hàng này từ các năm trước dựa vào kinh nghiệm các năm trước là giá cà phê sẽ giảm, thậm chí sẽ giảm mạnh mỗi khi vào vụ thu hoạch. Vì thế năm nay, khi giá cà phê tăng, nhiều nhà cung cấp có tâm lý "giữ" hàng với mong muốn gái còn lên cao sẽ thu được khoản chênh lệch lớn.

Từ đây, làn sóng thua lỗ, phá sản của không ít các đại lý nhỏ, doanh nghiệp thu mua cung ứng cà phê ở các địa phương đã diễn ra. Điều này kéo theo sự khó khăn của không ít doanh nghiệp xuất khẩu vì không bảo đảm nguồn hàng để cung ứng ra thị trường, phục vụ xuất khẩu.

Theo nhận định của các DN, khi Ấn Độ, Brazil vào mùa vụ cà phê, thị trường sẽ điều chỉnh lại giá ở mức phù hợp, khi đó giá cà phê ở Việt Nam không thể tiếp tục giữ ở mức cao. Thực tế hiện nay, một số nhà chế biến cà phê đã chuyển sang nhập cà phê nguyên liệu ở Brazil và Ấn Độ, bởi giá cà phê các nước này thấp hơn ở Việt Nam. Như vậy, cả người trồng và DN chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi khi thị trường ổn định trở lại.

Ý Nhi