Văn hóa nghệ thuật

Cạnh tranh với rạp phim, sân khấu kịch TP.HCM vẫn có nhiều "fan" yêu thích

Đặng Như Ngọc 9/4/2024 6:30

Dù phải cạnh tranh với các rạp phim nhưng sân khấu kịch TP.HCM vẫn thu hút rất nhiều khán giả, đặc biệt các bạn trẻ cũng đã bắt đầu yêu thích nhiều hơn với mô hình sân khấu nhà hát kịch nhỏ.

Trong khi tìm hiểu tình hình sân khấu TP.HCM, tôi hỏi chuyện NSND Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ của Sân khấu 5B, chị chia sẻ: “Dù TP.HCM đã có thêm sân khấu mới, mỗi sân khấu đều có phong cách dàn dựng khác nhau với nhiều vở kịch có nội dung sâu sắc nên có nhiều fan riêng. Có thể thấy mỗi một sân khấu mới ra đời đều tìm được nội dung vở diễn, cách diễn mới phù hợp với khán giả hiện đại, nhất là khán giả trẻ. Mỗi một sân khấu đều có sự đầu tư tỉ mỉ. Nhiều nghệ sĩ có tuổi vẫn không ngừng sáng tạo và vẫn chia sẻ, giúp đỡ nghệ sĩ, đạo diễn trẻ”.

Sự phát triển của rạp phim hiện đại đã làm lượng khách của sân khấu giảm, bởi nếu muốn xem một bộ phim thì chỉ cần ra rạp, nhưng với kịch thì khác. Kịch thường diễn cuối tuần, nếu tuần này không mua vé được thì phải canh để tuần sau, rồi phải canh trong tháng xem sân khấu mở bán suất diễn nào.

123.jpg

Dù gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng, duy trì, phát triển và cạnh tranh, NSND Mỹ Uyên vẫn tin rằng, Sân khấu 5B vẫn giữ được sức hấp dẫn và thu hút một lượng khách nhất định. Dù các loại hình giải trí xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng vẫn có đông đảo người dân yêu thích loại hình sân khấu kịch. Khán giả chính là sinh khí nuôi dưỡng và giúp cho nhiều sân khấu kịch mới ra đời.

Không thể không công nhận mô hình rạp phim hiện đại gây ra sự cản trở cho sân khấu, nhưng nhiều sân khấu kịch cạnh tranh càng làm cho đội ngũ nghệ sĩ không ngừng sáng tạo nghệ thuật để thu hút người xem. Những sân khấu đã có thương hiệu như Thế giới trẻ, IDECAF… vẫn giữ được sức hấp dẫn bởi những buổi diễn “cháy vé”.

Chính nhờ cạnh tranh mà xuất hiện Sân khấu học đường, tức sân khấu nhỏ kết hợp với các trường đại học để những bạn trẻ có năng khiếu có cơ hội thử sức, nghệ sĩ có điều kiện mở các khóa đào tạo diễn viên trẻ để có thể tạo nên những khuôn mặt mới phục vụ ngành sân khấu.

1.jpg

Khi được xem vở diễn “Người vợ ma” của Sân khấu kịch Hồng Vân do NSND Trịnh Kim Chi vào vai chính, tôi càng hiểu được vì sao sân khấu TP.HCM vẫn đông kín khách, đặc biệt là khán giả trẻ. Có một bạn chia sẻ: “Em thích xem kịch bởi thấy được cảnh diễn viên diễn trước mặt mình, nó chân thật hơn so với diễn viên phim truyền hình”.

Mô hình sân khấu nhỏ TP.HCM đòi hỏi kĩ thuật diễn xuất cao. Diễn viên Minh Luân - một trong những diễn viên có tên tuổi trong ngành sân khấu kịch của Việt Nam cho biết: "Sân khấu TP.HCM có tín hiệu tốt lên bởi game show dần bớt lại, do mức giải trí của dân chúng ngày càng cao nên nếu người làm nghệ thuật luôn làm mới mình thì sẽ được đón nhận".

Không thể phủ nhận sự phát triển của công nghệ giúp cho người dân dù ở nhà cũng có thể giải trí thoải mái, nhưng sự nỗ lực không ngừng của sân khấu kịch vẫn luôn được đề cao, những nghệ sĩ yêu nghề vẫn còn rất đông và họ ngày ngày làm mới bản thân, tạo nên nhiều vở kịch hấp dẫn.

Có sân khấu kịch tạo ra sản phẩm mới nhưng vẫn dựng lại một số vở diễn được khán giả yêu thích bằng diễn viên mới, cách diễn mới, bài trí sân khấu mới cùng với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh tốt hơn, nên đã đáp ứng được nhu cầu cao của khán giả. Diễn viên Minh Luân khẳng định: “Sân khấu kịch phải thật sự tôn trọng khán giả. Nếu để một vai khó cho một bạn mới vào nghề không diễn tròn vai thì khán giả ngày nay rất tinh ý, sẽ nhận ra ngay. Ở bất cứ loại hình giải trí nào, người làm nghệ thuật phải đặt nhu cầu khán giả lên hàng đầu. Khán giả yêu thích mình, đến xem mình và rất mong chờ ở mình một vai diễn tốt thì diễn viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Để tròn vai trên sân khấu, đòi hỏi diễn viên nỗ lực cao nên không phải ai muốn diễn là diễn được, cần kinh nghiệm, sự trau dồi và tinh thần trách nhiệm của mỗi diễn viên”.

2.jpg

Sân khấu Kịch Hồng Vân đã trở lại mạnh mẽ với vở diễn “Bông cánh cò” có sự góp mặt của nhiều diễn viên “cây đa cây đề” trong ngành sân khấu. Còn ở Sân khấu 5B lại có điều đặc biệt là không gian mở, tận dụng toàn bộ sân khấu để diễn, không như loại sân khấu truyền thống là khách ngồi ở dưới và riêng biệt khu diễn ở trên, đôi lúc sân khấu sẽ diễn như sàn catwalk, có khi lại để khán giả ngồi ở giữa để trải nghiệm diễn viên diễn xung quanh mình. Vì là sân khấu thể nghiệm nên cái ghế ngồi cũng đặc biệt hơn, là ghế rời, xoay phù hợp từng tình huống vở diễn. Thú vị hơn, đó là những vở diễn về đề tải thiếu nhi sẽ cho các em lên giao lưu cùng diễn viên và cùng ca hát, nhảy múa, khiến các em rất thích thú. Vì thế, nhiều gia đình rất thích đưa con em đến Sân khấu 5B để xem kịch. Đây là mô hình sân khấu giúp khán giả tương tác với diễn viên hơn là việc thụ động ngồi xem, là loại hình hấp dẫn cho ngành sân khấu TP.HCM nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung.

Tình hình sân khấu TP.HCM đã khả quan hơn nhiều so với những năm trước nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì xã hội càng hiện đại, càng phát triển thì nhu cầu văn hoá của con người càng tăng. Khán giả ngày càng đòi hỏi những vở kịch đầu tư mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của các loại hình sân khấu. Đây có lẽ sẽ là thử thách dài hạn đối với sân khấu TP.HCM. Việc đào tạo diễn viên trẻ ắt hẳn sẽ giúp cho sân khấu TP.HCM đạt được nhiều thành tựu hơn.

Đặng Như Ngọc