Quốc tế

Mỹ - Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác về năng lượng hydro

Nguyên Phước 08/04/2024 06:01

Nhật Bản và Mỹ đang thảo luận về những nỗ lực chung, nhằm phát triển năng lượng hydro và củng cố chuỗi cung ứng liên quan, bao gồm cả giảm chi phí cho nhà sản xuất.

Năng lượng sạch nằm trong chương trình ở hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Joe Biden tại Washington ngày 10/4. Các lãnh đạo dự kiến khởi động một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng về vấn đề này.

www.sundyne.com-wp-content-uploads-_hydrogen-compressors-blog-post.jpg
Năng lượng hydro ngày càng quan trọng trong quá trình giảm phát thải - Ảnh: Sundyne

Thủ tướng Kishida nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi sẽ hợp tác hơn nữa về chính sách, khai thác sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy chuyển đổi xanh của Nhật, cũng như tận dụng Đạo luật giảm lạm phát của Hoa Kỳ.”

Nhu cầu về hydro sạch đang tăng lên, do nhiên liệu này hứa hẹn là con đường hướng tới quá trình khử cacbon. Các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đang chạy đua để giảm chi phí sản xuất.

Theo Đạo luật giảm lạm phát năm 2022, Hoa Kỳ đang cung cấp cho các nhà sản xuất hydro khoản tín dụng thuế lên tới 3 USD mỗi kg trong 10 năm. Tín dụng thực tế phụ thuộc vào lượng carbon dioxide được tạo ra trong quá trình này.

Trong khi đó, Nhật Bản đang lên kế hoạch trợ cấp sớm nhất là trong năm nay, cho các nhà sản xuất và phân phối hydro, nhằm thu hẹp khoảng cách giá hiện tại giữa hydro và khí đốt tự nhiên.

Nhật Bản dự kiến sẽ chi 3 nghìn tỷ yên (tương đương 19,8 tỷ USD) cho khoản hỗ trợ trên, được tài trợ bởi trái phiếu chuyển đổi xanh. Quốc hội Nhật Bản đang thảo luận về một dự luật bao gồm sự hỗ trợ như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, liên kết giữa các quốc gia, có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí hơn nữa. Ví dụ, một công ty sản xuất hydro ở Mỹ và bán nó ở Nhật Bản, đủ điều kiện nhận cả tín dụng của Mỹ và trợ cấp của Nhật Bản.

Nhật Bản đặt mục tiêu tăng nguồn cung hydro nội địa hàng năm khoảng 50%, lên 3 triệu tấn vào năm 2030, sau đó lên 20 triệu tấn vào năm 2050.

Mỹ đặt mục tiêu sản xuất hàng năm 10 triệu tấn vào năm 2030 và 50 triệu tấn vào năm 2050. Cả 2 hy vọng tiếp tục giảm chi phí sản xuất, và phân phối hydro trên toàn cầu bằng cách hợp tác cùng nhau.

Hydro là nhiên liệu thay thế đầy hứa hẹn, cho các nhà máy thép, xe tải lớn và vô số ứng dụng khác. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu hydro toàn cầu khoảng 88,3 triệu tấn vào năm 2030 và 287 triệu tấn vào năm 2050.

Nguyên Phước