Quốc tế

Vì sao nhiều chuyên gia chưa tin tưởng kinh tế Trung Quốc có thể tăng 5%?

Văn Phúc 07/04/2024 06:01

Thời gian qua, nhiều chỉ số cho thấy, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng tích cực. Các nỗ lực của chính phủ có thể giúp cường quốc số 1 châu Á đạt mục tiêu 5%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn chưa lạc quan về viễn cảnh này. Dự đoán con số sẽ không tới.

Một cuộc khảo sát với 31 nhà kinh tế, do Nikkei Asia thực hiện vào tháng 3/2024 cho thấy, dự báo tăng trưởng 2024 trung bình của các chuyên gia là 4,7%.

www.smartshanghai.com-uploads-articles-2019-08-_1071566199936.jpg
Trung Quốc đang chứng kiến tiêu dùng ảm đạm - Ảnh: SmartShanghai

Con số này tăng nhẹ so với mức 4,6% họ dự báo trong cuộc khảo sát tháng 12/2023, nhưng thấp hơn mục tiêu chính thức của Trung Quốc là 5%, được công bố tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào đầu tháng 3/2024.

Theo khảo sát, 27 nhà kinh tế dự đoán mức tăng trưởng dưới 5%, chủ yếu do thị trường nhà ở trì trệ và thiếu chính sách đủ lớn để kích cầu.

Các chuyên gia từ ngân hàng, doanh nghiệp và tổ chức tư vấn nhận thấy, sự đi xuống ngày càng sâu sắc trong những năm tới, dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 4,4% vào năm 2025 và 4,2% vào năm 2026, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài sản đang diễn ra, mức tiêu dùng thấp và thách thức do dân số già.

Các nhà kinh tế cũng không tin vào nỗ lực của chính phủ, nhằm vẽ lên những triển vọng tươi sáng. Tân Hoa Xã đưa tin, trong cuộc họp hoạch định chính sách do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì gần đây, một lời kêu gọi đã được đưa ra, nhằm tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn công chúng về những vấn đề kinh tế.

Ông Tập nhắc lại quan điểm này, khi gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và học giả hàng đầu tại Bắc Kinh vào ngày 27/3. Tân Hoa Xã dẫn lời ông nói: “Triển vọng phát triển của Trung Quốc rất tươi sáng. Chúng tôi có sức mạnh và sự tự tin.”

Các chuyên gia dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, trong quý 1/2024 là 4,5%, sau khi sản xuất công nghiệp trong tháng 1 và 2 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Wei Yao, nhà kinh tế trưởng về châu Á và Trung Quốc tại Societe Generale, đã nâng dự báo tăng GDP của Trung Quốc trong năm nay lên 4,7% từ mức 4,5%.

Sự phục hồi năm nay được hỗ trợ bởi xuất khẩu tốt hơn, do khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ thấp, và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tăng nhanh, nhờ có nhiều hỗ trợ tài chính hơn.

Bà Wei Yao, nhà kinh tế trưởng về châu Á và Trung Quốc tại Societe Generale

Nhưng ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của ING Economics khu vực Trung Quốc đại lục nhấn mạnh: “Trong khi tiêu dùng đóng góp phần lớn vào tăng trưởng năm 2023, niềm tin của người dùng yếu và hiệu ứng tài sản tiêu cực, có thể hạn chế mức tiêu dùng trong năm nay. Cần có thêm chính sách hỗ trợ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.”

Hầu hết đồng ý rằng, sự sụt giảm lĩnh vực bất động sản đặt ra thách thức lớn nhất trong năm nay, do chiếm 50 đến 60% tài sản các hộ gia đình. Điều kiện thị trường xấu đi, tác động sâu sắc đến niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay. Doanh số bán nhà dự báo tiếp tục giảm từ 5 đến 10% trong năm 2024.

Ông Tetsuji Sano, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Sumitomo Mitsui DS Asset Management, đã cảnh báo về một vòng giảm phát luẩn quẩn, trong đó áp lực giảm lương ngày càng tăng, khi hiệu quả hoạt động của công ty xấu đi, làm giảm sức mua.

GDP danh nghĩa thấp hơn GDP thực tế vào năm 2023, cho thấy áp lực giảm phát đã đi lên.

Ông nói thêm: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu xu hướng này tiếp tục vào năm 2024”.

Nhiều người bày tỏ lo ngại về những hạn chế của các biện pháp chính sách tài khóa. Trong khi chính phủ vào tháng 3 báo hiệu rằng, họ sẵn sàng cho vay hỗ trợ, bao gồm chương trình trái phiếu đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 139,3 tỷ USD) vào năm 2024, các nhà kinh tế cho biết, cần nhiều hơn nữa để thúc đẩy niềm tin của người dùng.

Ông Bert Burger, nhà kinh tế trưởng tại Atradius, đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp thất nghiệp, để giảm nhu cầu tiết kiệm phòng ngừa và thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Chính phủ Trung Quốc vẫn tập trung vào sản xuất thay vì tiêu thụ. Họ phụ thuộc vào xuất khẩu sang các quốc gia, mà không phải lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận sản phẩm từ Trung Quốc.

Ông Bert Burger, nhà kinh tế trưởng tại Atradius

Ông Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông nhấn mạnh: “Tệ hơn nữa, chi tiêu cơ sở hạ tầng và sản xuất mạnh mẽ, đã củng cố các chỉ số hoạt động, do đó giảm cảm giác cấp bách đối với việc kích thích nền kinh tế.”

Về chính sách tiền tệ, các nhà kinh tế kỳ vọng lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm - lãi suất chính sách trên thực tế, sẽ giảm xuống 3,27% vào cuối năm 2024, từ 3,45% hiện tại.

Nhà kinh tế Samuel Tse của DBS cho biết, giảm chi phí vay dự kiến sẽ thúc đẩy tâm lý đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể không vội giảm lãi suất, điều này ảnh hưởng đến tốc độ giảm lãi suất ở Trung Quốc.

Chủ tịch FED Jerome Powell mới đây nói: “Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ vững chắc. Thị trường lao động vẫn rất mạnh. Điều này giúp chúng ta tự tin hơn trước lạm phát, trước khi thực hiện bước đi quan trọng như giảm lãi suất.”

Khi được hỏi về yếu tố rủi ro của kinh tế Trung Quốc trong năm 2024, các chuyên gia đã chọn khủng hoảng bất động sản, và thiếu chính sách hỗ trợ đầy đủ.

Ông Ken Chen, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc tại KGI nói: “Bầu cử tổng thống Mỹ tác động trực tiếp đến chính sách thương mại và công nghệ. Tác động ngắn hạn đến nhu cầu chung, và dài hạn đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế.”

Lĩnh vực tiền tệ, có nhiều quan điểm khác nhau. Đồng nhân dân tệ dự kiến ở mức từ 6,9 đến 7,4 đổi 1 USD vào cuối năm nay. Con số này yếu hơn một chút so với 7 đổi 1 USD trong cuộc khảo sát tháng 12/2023, nhưng mạnh hơn so với tỷ giá 7,0957 đổi 1 USD của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 2/4.

Bà Katrina Ell, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics chia sẻ: “Đồng nhân dân tệ sẽ vẫn yếu, khi quan điểm tiêu cực về kinh tế Trung Quốc đang gia tăng, do vấn đề bất động sản. Nếu chênh lệch lãi suất với các quốc gia nước ngoài như Hoa Kỳ được thu hẹp, áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ sẽ nhẹ bớt.”

Dân số già hóa của Trung Quốc cũng đang cản trở tốc độ tăng trưởng. Chiến lược gia của Lombard Odier, ông Homin Lee dự đoán tỷ lệ sẽ giảm dần ở mức 3,9% vào năm 2026. Theo ông, mức tăng 5% là không đơn giản đối với 1 nền kinh tế bắt đầu trải qua quá trình già hóa dân số như Trung Quốc.

Văn Phúc