Kinh doanh

TP.HCM “bắt tay” các tỉnh Tây Nguyên tiêu thụ đặc sản

Hồng Nga 05/04/2024 23:57

Hàng loạt các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được TP.HCM kết hợp với các tỉnh Tây Nguyên nhằm đưa nông sản, đặc sản về phục vụ người dân.

Nhu cầu lớn

Mỗi ngày, hàng ngàn tấn thực phẩm từ khắp các vùng miền trên cả nước đổ về các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn TP.HCM.

dac-san-1.jpg

Số liệu từ Sở Công thương TP.HCM cho thấy, mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ khoảng 2.000 tấn gạo, trên 4.200 tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn thịt, khoảng 2 triệu quả trứng…, nhưng năng lực TP.HCM chỉ cung cấp khoảng 10% thịt các loại và gần 5% trứng, nguồn hàng còn lại đến từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu.

Riêng với hàng nông, đặc sản Tây Nguyên, theo thống kê của chợ đầu mối Hóc Môn, mỗi ngày, có khoảng 1.600-1.700 tấn rau củ quả từ khu vực này đổ về chợ. Số lượng rau củ quả của Tây Nguyên chiếm 2/3 tổng lượng rau củ quả về chợ mỗi ngày. Vài năm trở lại đây, bên cạnh vải thiều từ miền Bắc, chợ còn có thêm trái vải từ Đắk Nông, Đắk Lắk.

Nhu cầu tiêu dùng lớn như vậy nhưng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM Đinh Minh Hiệp, sản xuất nông nghiệp của TP.HCM chỉ đáp ứng được một phần. Bởi không chỉ tiêu thụ tại chỗ, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn còn có nhu cầu lớn về vùng nguyên liệu để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) có tiềm năng lớn với nhiều nông sản, đặc sản nhưng lại thiếu đầu ra. Các tỉnh Tây Nguyên có đất rộng, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho trồng trọt và chăn nuôi phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chẳng hạn như Kon Tum có lợi thế về cà phê, mắc ca, cây ăn quả, dược liệu (nổi bật là sâm Ngọc Linh)... Thế nhưng sản phẩm chất lượng mà nông dân làm ra vất vả nhưng đến mùa thu hoạch lại khó tiêu thụ.

Cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực tế các tỉnh Tây Nguyên, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, với các DN có thế mạnh xuất khẩu và muốn đưa hàng vào siêu thị nội địa, nên xem lại các tiêu chuẩn của sản phẩm có phù hợp với người dân ở các vùng miền hay không. Để hỗ trợ DN, TP.HCM sẽ phát huy vai trò của mình trong kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng, hỗ trợ DN sản xuất, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường cho Tây Nguyên.

“Ngành công thương sẽ làm cầu nối, hỗ trợ DN đưa hàng vào các hệ thống phân phối và các sàn thương mại điện tử một cách thuận lợi”, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định.

Cùng với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM ngày 3/4 cũng triển khai hội nghị hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên. Trước đó, nhiều hoạt động đã được triển khai như Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 (vào cuối tháng 10/2023); Hội chợ triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm VietGAP, OCOP (tháng 11/2023); Trao đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản trong cây trồng, nấm dược liệu...

Ông Đinh Minh Hiệp cho biết, Sở sẵn sàng làm đầu mối, cùng các sở ngành chung tay hỗ trợ các nhà cung ứng đưa hàng hóa vào các cửa hàng, siêu thị… trên địa bàn TP.HCM. Trong năm nay, hàng loạt sự kiện, chương trình quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản Tây nguyên sẽ liên tục được tổ chức tại TP.HCM. Tất cả nhằm kích hoạt lĩnh vực thế mạnh có thể khai thác được giữa TP.HCM với các tỉnh thành, gồm kết nối du lịch nông nghiệp và đưa đặc sản Tây Nguyên vào phân phối tại các cửa hàng, siêu thị…

“TP.HCM mong muốn kết nối các DN với các tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu thị trường, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, TP.HCM hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên để chuyển giao công nghệ, tạo ra những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đem lại lợi ích cho DN TP.HCM và các tỉnh”, Đinh Minh Hiệp cho biết.

dac-san.jpg

Chia sẻ tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên ngày 3/4, bà Dương Thị Quỳnh Mai - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương TP.HCM đã hỗ trợ các nhà cung ứng, chủ yếu là DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đưa hàng hóa vào chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị… trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, do một số DN sản xuất nhỏ lẻ (quy mô hộ gia đình), tiềm lực kinh tế hạn chế, chưa rành công nghệ… nên kết quả vẫn chưa chưa như mong đợi.

“Vì vậy, mong ngành công thương 2 địa phương có thêm các chương trình tập huấn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng…”, bà Quỳnh Mai đề xuất.

Hồng Nga