Hơn 5 triệu tín chỉ carbon rừng đang được Việt Nam đàm phán chuyển nhượng
Việt Nam đang đàm phán kỹ thuật để hoàn thiện đề án chuyển nhượng 5,15 triệu tấn carbon rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên cho Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) với mức giá tối thiểu là 10 USD/tấn carbon.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Thủ tướng giao triển khai 2 thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải.
Theo đó, trong thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD một tấn CO2, tương đương tổng giá trị là 51,5 triệu USD (1.277 tỷ đồng).
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký chí cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES. Đồng thời, Bộ này cũng đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Được biết, Emergent là cơ quan nhận ủy thác của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF). Ngày 31/10/2021, tại COP26 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã ký kết Ý định thư với Emergent dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng. Điển hình như tăng cường hoạt động trồng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.
Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.