Chuyện làm ăn

Giá bán tín chỉ carbon, dựa vào đâu?

Khánh Hưng 02/04/2024 - 13:52

Giá bán một tín chỉ carbon được điều chỉnh thông qua quy luật Cung - Cầu và chất lượng tín chỉ carbon.

Lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Không có căn cứ đánh giá 5 USD/ tín chỉ là quá rẻ hay quá đắt. Thị trường carbon có hai loại: Thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc, giá một tín chỉ carbon ở hai thị trường này cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung, theo ông Thái Trần - Giám đốc công ty Tư vấn Hanam Carbon, việc định giá bán một tín chỉ carbon dựa vào hai yếu tố chính bao gồm quy luật Cung - Cầu và chất lượng tín chỉ carbon.

Giống như các loại hàng hóa khác, luật cung - cầu thị trường có ảnh hưởng đáng kể đến giá bán tín chỉ carbon. Trong đó, phải kể đến các yếu tố như kinh tế vĩ mô, chính sách và những cam kết của quốc gia tham gia thị trường mua bán đầy tiềm năng này.

Theo thống kê của Carbon Credit, giá bán tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các giải pháp dựa trên thiên nhiên (NGEO) tăng mạnh vào giai đoạn giữa năm 2022. Đây là thời điểm đã có các cam kết COP26. Điều 6 đẩy mạnh quan điểm trồng rừng và nông nghiệp rừng là cách tốt nhất để chống biến đổi khí hậu, đây là một phần khiến cho giá carbon được đẩy lên gần "đỉnh".

anh-man-hinh-2024-04-02-luc-11.15.45.png
Giá bán tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các giải pháp dựa trên thiên nhiên (NGEO) được thống kê bởi Carbon Credit

Nhưng tới cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, giá bán rơi vào "làn sóng" giảm mạnh. Các chuyên gia nhận định rằng một trong những chất xúc tác chính đằng sau xu hướng này là môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn. Carbon Credit trích dẫn một thống kê cho thấy 33% giám đốc điều hành cao cấp tại các tổ chức toàn cầu báo cáo cắt giảm các sáng kiến bền vững của họ do điều kiện kinh tế.

Một nguyên nhân khác gây áp lực giảm giá carbon là kết quả kém cho thị trường carbon tự nguyện sau khi COP27 diễn ra. Mặc dù có một số tiến bộ về Điều 6, hội nghị đã không giải quyết đầy đủ các chi tiết của hệ thống giao dịch tín chỉ carbon liên chính phủ mà Thỏa thuận Paris đặt ra. Cuối cùng, sự giám sát ngày càng tăng của công chúng và giới truyền thông, đặc biệt là các tuyên bố về “tẩy xanh” (Greenwashing) và xu hướng ngược lại ngày càng tăng của “tẩy xanh” tiếp tục ngăn cản các tập đoàn hành động quyết đoán đối với các sáng kiến khử carbon của họ. Kết hợp lại, tất cả những yếu tố này cùng nhau dẫn đến áp lực giảm giá liên tục đối với giá tín dụng carbon cho đến năm 2023.

Chất lượng quyết định giá

Một tín chỉ carbon rừng của Việt Nam bán được 5 USD, rừng Amazon bán được 1,5 USD nhưng một tín chỉ carbon của đơn vị tái chế nhựa có khi bán được đến 100 USD. Sự khác biệt này liên quan đến yếu tố "chất lượng carbon".

Chất lượng được định nghĩa thông qua rất nhiều các yếu tố như tính dài hạn của tín chỉ carbon tạo ra; các rủi ro từ các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon như đảo nghịch, dịch chuyển phát thải; sự tuân thủ về đảm bảo an toàn môi trường xã hội; tính minh bạch, chính xác của chương trình và dự án tạo tín chỉ carbon...

Theo chia sẻ kinh nghiệm của ông Thái Trần về việc viết dự án đối với thị trường carbon tự nguyện, phải thể hiện được phương pháp thực hiện, tổng mức đầu tư, cách đo lường và lĩnh vực đầu tư. Quá trình thực hiện được ghi vào "nhật ký giảm phát thải". Có một đơn vị độc lập thẩm định căn cứ vào các thông số và cấp tín chỉ. Giá của một tín chỉ carbon phụ thuộc vào các khoản đầu tư này và lĩnh vực đầu tư.

Thông qua "nhật ký" này, tín chỉ carbon từ các dự án hoặc quỹ giảm phát thải được chứng nhận một cách đáng tin cậy thường có giá trị cao hơn, bởi các nhà đầu tư và người mua tín chỉ carbon quan tâm đến việc đảm bảo rằng tiền của họ đang được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải thực sự và có tác động tích cực đến môi trường. Bên cạnh đó, nếu một dự án hoặc quỹ có khả năng giảm lượng khí thải lớn hơn so với các dự án khác trong cùng một loại, thì tín chỉ carbon từ dự án đó có thể được định giá cao hơn.

Một số doanh nghiệp mua tín chỉ carbon rất cao ở những lĩnh vực được khuyến khích giảm phát thải như sản xuất nhựa, phân bón, thép. Ngành tái chế nhựa không những thải lượng carbon rất lớn mà còn thải ra những khí độc khác ảnh hưởng đến môi trường và rất khó để giảm phát thải nên ngành này muốn giảm phát thải carbon thì giá mua một tín chỉ có khi lên đến 100 USD.

anh-man-hinh-2024-04-02-luc-13.05.05.png
Một tín chỉ carbon rừng của Việt Nam bán được 5 USD

Quay lại câu chuyện bán 5 USD cho một tín chỉ carbon rừng của Việt Nam. Trong thời gian tới, để có được tín chỉ carbon chất lượng với giá cao, không chỉ liên quan đến thị trường rừng mà còn liên quan đến quản lý và phát triển rừng bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực hiện một quá trình chặt chẽ, từ nghiên cứu khả thi dự án cho đến kiểm kê lượng phát thải carbon hiện tại, rồi cải thiện và nâng cao chất lượng hấp thụ carbon, tiếp tục giám sát và báo cáo, cuối cùng thực hiện việc xác nhận tín chỉ carbon theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu.

Thêm vào đó, để nâng chất lượng tín chỉ carbon, cần cải thiện điều kiện làm việc của những người thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ rừng; liên quan đến các tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.

Khánh Hưng