Quốc tế

Cơn sốt AI mang về bao nhiêu lợi nhuận cho doanh nghiệp?

Bảo Quân 02/04/2024 11:51

Nhờ cơn sốt AI, lợi nhuận và giá trị vốn hóa của hàng loạt doanh nghiệp cũng bùng nổ.

Trong đó, Nvidia và Microsoft không phải người chiến thắng duy nhất, mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hưởng lợi nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Ví dụ, giá trị cổ phiếu của Dell đầu tháng trước lên cao nhất mọi thời đại, ở mức hơn 130 USD/cổ phiếu, sau khi DN báo cáo thu nhập vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Tính trong 6 tháng gần nhất, giá trị cổ phiếu của Dell đã tăng gần 70%. Đặc biệt, đơn đặt hàng máy chủ tối ưu hóa cho AI (PC AI) của Dell đã tăng 40% trong quý gần nhất. Theo CEO Jeff Clarke, công ty chỉ mới bắt đầu chạm tới các cơ hội AI phía trước.

Vài ngày sau phiên kỷ lục của Dell, Together AI - một startup điện toán đám mây, huy động được thêm nguồn vốn mới, giúp nâng mức định giá của công ty lên 1,3 tỷ USD từ mức 500 triệu USD vào tháng 11/2023. Đáng chú ý, một trong các nhà đầu tư của Together AI là Nvidia. Trước khi ChatGPT ra mắt, giá trị vốn hóa của Nvidia vào khoảng 300 tỷ USD, tương đương Home Depot. Tuy nhiên, con số này hiện đã lên tới 2.300 nghìn tỷ USD, chỉ kém 300 tỷ USD so với Apple.

con-sot-ai-mang-ve-bao-nhieu-loi-nhuan-cho-doanh-nghiep-2.png
Lợi nhuận và giá trị vốn hóa thị trường của hàng loạt doanh nghiệp đang bùng nổ nhờ cơn sốt AI.

Đương nhiên, cần thời gian để chứng minh ai là người hưởng lợi và thực sự phát triển lâu dài nhờ cơn sốt AI, song điều chắc chắn là nhiều gã khổng lồ công nghệ mới sẽ trỗi dậy từ xu hướng này. Trên thực tế, sự bùng nổ của PC (máy tính bàn) những năm 1980 và 1990 đã đưa Microsoft - nơi sản xuất hệ điều hành Windows, và Intel - nơi sản xuất chip để chạy hệ điều hành đó, lên vị trí dẫn đầu.

Theo ngân hàng đầu tư Jefferies, đến 80% lợi nhuận hoạt động từ ngành công nghiệp PC vào những năm 2000 rơi vào tay bộ đôi "Wintel". Tiếp đó, kỷ nguyên điện thoại thông minh cũng làm điều tương tự với Apple, khi chỉ vài năm sau sự ra mắt của iPhone, hãng thu về hơn một nửa lợi nhuận hoạt động toàn cầu của các nhà sản xuất thiết bị cầm tay.

Lợi nhuận bùng nổ

Và, kỷ nguyên mới nhất hiện giờ của thế giới là AI. Thực tế, khoảng 100 doanh nghiệp (DN) được The Economist khảo sát đã tạo ra 8.000 tỷ USD cho chủ sở hữu của họ từ khi thành lập. Dĩ nhiên, không phải tất cả lợi ích trên đều là kết quả của cơn sốt AI nhưng rất nhiều trong số đó là như vậy, và giá trị ngày càng tập trung hơn vào một số ít DN hàng đầu.

Ở lĩnh vực phần cứng, chế tạo mô hình và ứng dụng, giá trị tổng thể của 3 DN lớn nhất tăng trung bình 14% trong một năm rưỡi qua. Ở mảng đám mây, Microsoft - đối tác của OpenAI, vượt cả Amazon lẫn Alphabet (công ty mẹ của Google), với giá trị vốn hóa thị trường hiện chiếm 46% tổng giá trị của cả ba, tăng từ 41% trước khi ChatGPT được phát hành.

con-sot-ai-mang-ve-bao-nhieu-loi-nhuan-cho-doanh-nghiep-1.png
Tỷ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu bình quân trên toàn cầu của DN phần mềm ứng dụng (xanh nhạt), điện toán đám mây (xanh đậm), phần cứng (đỏ) và ngoài nhóm S&P 500 (cam)

Nhìn chung, hầu hết lợi nhuận hiện thuộc về nhóm sản xuất phần cứng, gồm DN sản xuất chip (như Nvidia), máy chủ (Dell) và thiết bị mạng (Arista). Nếu vào tháng 10/2022, tổng giá trị của 27 DN phần cứng đại chúng thuộc khảo sát là khoảng 1.500 tỷ USD thì hiện con số đó là 5.000 tỷ USD.

Trong đó, Nvidia chiếm gần 60% mức tăng vốn hóa thị trường của các DN phần cứng. Theo Công ty nghiên cứu IDC, Nvidia sản xuất hơn 80% tổng số chip AI và gần như độc quyền về thiết bị mạng để gắn chip với nhau trong các máy chủ AI ở trung tâm dữ liệu. Năm qua, doanh thu từ hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu của DN tăng hơn 3 lần và tỷ suất lợi nhuận gộp cũng tăng từ 59% lên 74%.

Do đó, nhiều đối thủ của Nivdia, như AMD và Intel, đang rất muốn giành được dù chỉ là một phần nhỏ miếng bánh lợi nhuận này thông qua các sản phẩm cạnh tranh. Mặt khác, các khách hàng lớn nhất của Nvidia cũng đang nỗ lực tham gia vào cuộc đua thiết kế chip của riêng mình để vừa giảm phụ thuộc vừa kiếm lời.

Theo Lisa Su - CEO của AMD, doanh thu từ việc bán chip AI dự báo vọt lên 400 tỷ USD năm 2027, từ 45 tỷ USD năm 2023 và con số này sẽ là quá lớn với riêng Nvidia. Dù vậy, vị trí dẫn đầu của Nvidia trên thị trường phần cứng trong nhiều năm tới vẫn sẽ chắc chắn. Lý do vì rủi ro để các khách hàng lớn lựa chọn startup nhỏ và không có thành tích nổi bật mà cấu hình lại hệ thống của mình đơn giản là quá lớn.

Trong khi nhà sản xuất phần cứng giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc đua lợi nhuận, các DN xây dựng mô hình độc lập lại là người chiến thắng trong cuộc đua lợi nhuận tương đối. Ví dụ, định giá của OpenAI được cho là đạt 100 tỷ USD, tăng từ 20 tỷ USD vào tháng 10/2022; Anthropic tăng từ 3,4 tỷ USD vào tháng 4/2022 lên 18 tỷ USD, còn Mistral AI - một startup của Pháp thành lập chưa đầy một năm, hiện được định giá khoảng 2 tỷ USD.

Hơn nữa, sự đa dạng của các mô hình cũng tạo điều kiện phát triển cho nhóm DN làm ứng dụng. Theo khảo sát của The Economist, giá trị của 19 DN phần mềm giao dịch đại chúng thuộc nhóm ứng dụng tăng 1.100 tỷ USD, tương đương 35%, kể từ tháng 10/2022. Con số này gồm cả các DN cung cấp phần mềm lớn đang bổ sung AI tổng quát vào dịch vụ của họ.

Bên cạnh đó, các startup xây dựng mô hình cũng mua rất nhiều chip, chủ yếu là từ Nvidia, để đào tạo các mô hình của họ. Imbue - giống như Open AI và Anthropic, có 10.000 con chip như vậy. Cohere - đối thủ đến từ Canada, có 16.000 con chip. Các con chip này có thể được bán với giá hàng chục nghìn USD mỗi con, và khi mô hình trở nên phức tạp, số tiền dành cho chip cũng tăng đáng kể. GPT-4 được cho là tốn khoảng 100 triệu USD để đào tạo và theo một số dự báo, việc đào tạo công cụ kế nhiệm có thể khiến OpenAI tốn gấp 10 lần.

Ngoài ra, một lĩnh vực nữa của thị trường cũng mang về lợi nhuận lớn là điện toán đám mây. Từ khi AI bùng nổ, tổng giá trị vốn hóa thị trường của Alphabet, Amazon và Microsoft đã tăng 2.500 tỷ USD. Hiện, con số này chưa bằng 3/4 mức tăng trưởng của nhóm phần cứng và chỉ bằng 1/4 về mặt tỷ lệ phần trăm. Tuy nhiên, so với doanh thu thực tế mà AI dự kiến tạo ra cho bộ ba công nghệ trong thời gian tới, việc tạo ra giá trị này vượt xa mức tạo ra ở tất cả nhóm khác.

Cụ thể, con số này gấp 120 lần doanh thu 20 tỷ USD mà AI tạo sinh (generative AI) dự báo sẽ cộng vào doanh số bán hàng của những gã khổng lồ về điện toán đám mây năm 2024. Để so sánh, tỷ lệ tương đương là khoảng 40 đối với các công ty phần cứng và khoảng 30 đối với các nhà sản xuất mô hình.

Bảo Quân