Quốc tế

Hợp tác kinh tế Trung Quốc – Pakistan bị đe dọa sau vụ tấn công chết người

Văn Phúc 01/04/2024 06:01

Một số nhà phân tích cho biết, một loạt vụ tấn công chết người nhằm vào thực thể Trung Quốc ở Pakistan, đang đe dọa làm chậm lại khoản đầu tư hàng tỷ USD vào quốc gia Nam Á, cũng như phức tạp thêm các yêu cầu về an ninh.

Năm kỹ sư người Trung Quốc và tài xế người Pakistan đã thiệt mạng, trong vụ tấn công hôm 26/3 tại Besham, cách thủ đô Islamabad 270 km về phía tây bắc. Các nạn nhân đang trên đường đến dự án thủy điện Dasu, có công suất 4.320 megawatt do Trung Quốc đầu tư. Dự án trị giá 4,2 tỷ USD này đã bị đình chỉ sau vụ bạo lực nghiêm trọng trên.

z5293814158868_df6288627d35d02cccd484f5905239c7.jpg
Vụ tấn công tại Besham khiến 5 kỹ sư Trung Quốc thiệt mạng - Ảnh: Google Map

Tấn công ở Besham là vụ chết người thứ 3 nhằm vào các lợi ích của Trung Quốc chỉ trong một tuần.

Khu liên hợp cảng Gwadar và một căn cứ không quân ở Tây Nam Pakistan, đã bị phe ly khai nhắm tới vào tuần trước đó. Phe ly khai coi công dân Trung Quốc đang khai thác tài nguyên ở khu vực, là nguyên nhân của nghèo đói và ô nhiễm môi trường tại địa phương. Gwadar là điểm quan trọng của hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC). Hành lang này là 1 phần của sáng kiến “Vành đai-Con đường” (BRI), nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc ở nước ngoài.

Cho đến nay, chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Besham. Những năm qua, Pakistan phải chiến đấu với vô số nhóm khác nhau, từ Taliban Pakistan đến phe ly khai ở tỉnh Balochistan.

Ông Khuram Iqbal, nhà nghiên cứu và tác giả cuốn sách “The making of Pakistani Human Bombs” cho biết, cuộc tấn công mới nhất có thể do các chiến binh Hồi giáo thực hiện.

Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Pakistan nỗ lực hơn nữa, để bảo vệ công dân của họ, cũng như các công trình và khoản đầu tư. Pakistan đang khó khăn kinh tế nghiêm trọng, nên rất cần đầu tư nước ngoài.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan phản ứng mạnh sau vụ tấn công ở Besham, yêu cầu điều tra kỹ lưỡng.

Chúng tôi yêu cầu Pakistan thực hiện các biện pháp hiệu quả, để bảo vệ sự an toàn của công dân, tổ chức và dự án Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh

Đáp lại, Pakistan đã thành lập một ủy ban cấp cao để điều tra vụ tấn công.

Ông Muhammad Shoaib, chuyên gia từ Đại học Quaid-i-Azam Islamabad nói với Nikkei Asia: “Năm 2021, 9 kỹ sư Trung Quốc đã thiệt mạng trong một vụ tấn công ở khu vực này. Cuộc tấn công mới nhất cho thấy, có những sai sót nghiêm trọng về an ninh. Ngoài việc gia tăng cường độ và tần suất các cuộc tấn công, điều khiến người Trung Quốc lo lắng, là không có gì đảm bảo dù tồn tại nhiều lớp bảo vệ.”

Các chuyên gia nhận định, sai sót an ninh này đe dọa những cam kết kinh tế mới giữa hai nước, ảnh hưởng đến kế hoạch của Trung Quốc muốn tăng cường đầu tư vào đối tác Nam Á, sau khi chính phủ mới nhậm chức.

Theo 1 số nguồn tin, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 4, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, nhưng vụ tấn công vừa qua có thể phủ bóng đen lên chuyến đi.

Ông Shoaib nói tiếp: “Người Trung Quốc sẽ không tiến hành bất kỳ cam kết kinh tế lớn nào với Pakistan. Trung Quốc lo ngại về sự bất ổn chính trị ở Pakistan. Giờ đây, tình hình an ninh khiến họ tạm ngừng đẩy mạnh hợp tác.”

Ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington cho biết, khó khăn kinh tế của Pakistan cũng có thể ngăn cản dòng đầu tư mới từ Trung Quốc. Ông nói: “Áp lực kinh tế ở Pakistan về cơ bản, đặt ra một lệnh cấm không chính thức trong việc khởi động các dự án mới. Bất ổn về an ninh củng cố thêm xu hướng trên.”

Trong 2 năm qua, Pakistan đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc, muốn cử nhân viên an ninh của riêng mình đến bảo vệ công dân và các dự án đầu tư.

Ông Kugelman nói tiếp: “Có thể không lâu nữa, Trung Quốc sẽ lại yêu cầu đưa nhân viên an ninh của họ vào. Điều này sẽ gây bối rối cho Pakistan và là điều mà Islamabad muốn tránh. Cuộc tấn công vừa qua chắc chắn làm gia tăng căng thẳng song phương.”

Để đảm bảo an ninh cho công dân Trung Quốc sau vụ tấn công, Pakistan dự kiến sẽ tăng áp lực lên nước láng giềng Afghanistan, quốc gia mà Islamabad coi là nguồn gốc của hầu hết các cuộc tấn công từ phiến quân trên lãnh thổ mình.

Ông Qamar Cheema, giám đốc điều hành viện Sanober, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Islamabad nói: “Pakistan sẽ thúc giục Trung Quốc hỗ trợ, vì Taliban ở Afghanistan liên tục tiếp đón những người theo chủ nghĩa ly khai tại Pakistan. Pakistan sẽ đưa Trung Quốc vào cuộc họp, để có phản ứng thống nhất chống lại phiến quân, do hai nước có chính sách khác nhau đối với phiến quân từ Afghanistan.”

Văn Phúc