Chuyện làm ăn

Giải pháp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, NCS Nguyễn Bá Thành* 31/03/2024 - 17:47

Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về dân số tăng nhanh và áp lực do môi trường sống ô nhiễm, cần có giải pháp ngăn chặn. Quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi các nước phát triển phải đưa ra chiến lược giảm thiểu tỷ lệ carbon, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Mặc dù các mô hình kinh tế trước đây đã mang lại những kết quả đáng kể trong việc cải thiện mức sống của người dân, nhưng lại thải quá nhiều khí nhà kính, tiêu tốn quá nhiều nước ngọt và các loại tài nguyên khác. Tình trạng ấy ngày càng gia tăng đến mức phải cảnh báo, và thuật ngữ “kinh tế xanh” gần đây đã trở thành trọng tâm về phát triển kinh tế ở cả quy mô quốc gia và quốc tế.

Định nghĩa về nền kinh tế xanh vẫn chưa thống nhất, tuy nhiên Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme - UNEP) coi nền kinh tế xanh là một chiến lược nhằm giảm thiểu phát thải carbon và ô nhiễm môi trường toàn cầu, cải thiện đời sống con người, tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu nhập và sự công bằng xã hội. Từ góc độ kinh doanh, nền kinh tế xanh là một nền kinh tế trong đó tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm đối với môi trường phải được đặt lên hàng đầu, tiến đến phát triển xã hội xanh cho nhân loại, tức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ dựa trên phát triển bền vững và thân thiện với môi trường,

Đặc điểm chính của nền kinh tế xanh

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam cần có chính sách cụ thể của Chính phủ cũng như sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, cụ thể là việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng tái tạo khác nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, như than đá, dầu và khí tự nhiên - là thành phần chính gây ô nhiễm không khí, làm biến đổi khí hậu.

Sự phát triển nông nghiệp bền vững gồm gia tăng sức khỏe cho đất, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng tối thiểu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng hoá chất nhằm duy trì năng suất lâu dài, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Những hoạt động này bao gồm luân canh cây trồng, trồng trọt che phủ, canh tác không làm tổn hại đến đất, quản lý dịch bệnh và nông lâm kết hợp. Nông nghiệp bền vững ưu tiên bảo tồn tài nguyên nước và đất.

Cơ sở hạ tầng xanh là đầu tư vào cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và mang tính bền vững. Cơ sở hạ tầng xanh bao gồm đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, như xe buýt điện, tàu điện để giảm khí thải và tắc nghẽn giao thông. Việc tạo làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ có thể giảm thiểu phương tiện gây ô nhiễm môi trường.

Công trình xanh cũng chính là cơ sở hạ tầng xanh, liên quan đến việc trang bị phương tiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu tái tạo và sản phẩm được thiết kế mang tính bền vững. Quy hoạch đô thị mang tính bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xanh bằng cách thúc đẩy việc sử dụng đất hỗn hợp, quản lý nước và chất thải ô nhiễm một cách hiệu quả.

Kinh tế tuần hoàn là tạo ra sản phẩm tái sử dụng và tái chế để giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp xem xét vòng đời sản phẩm, từ khai thác nguyên liệu thô đến thải bỏ sản phẩm. Sự chuyển đổi để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng để tạo ra một hệ thống, trong đó nguồn tài nguyên được sử dụng hiệu quả và giảm thiểu việc tạo ra chất thải.

10049feab9-ba6b-441b-b82f-5e5c8be95cb4.jpg
Kinh tế tuần hoàn là tạo ra sản phẩm tái sử dụng và tái chế để giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường

Sử dụng hiệu quả tài nguyên trong nền kinh tế xanh

Tạo ra những sản phẩm tái chế giúp chuyển đổi chất thải thành sản phẩm mới để ngăn chặn sự cạn kiệt nguyên liệu thô và giảm mức sử dụng năng lượng.

Tái sử dụng sản phẩm nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, vật liệu bằng cách sử dụng nhiều lần hoặc tái sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Giảm tiêu dùng bằng cách chỉ tiêu dùng những gì cần thiết và tránh lãng phí.

Sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo chính là sử dụng nguồn tài nguyên được bổ sung một cách tự nhiên, như năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, thay vì chỉ dựa vào nguồn tài nguyên hữu hạn như nhiên liệu hóa thạch.

Áp dụng công nghệ hiệu quả là sử dụng thiết bị, phương tiện tiết kiệm năng lượng để giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên và tạo ra chất thải.

Bằng các giải pháp ấy sẽ thúc đẩy Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đóng góp cho một xã hội bền vững và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Để đạt được nền kinh tế xanh, việc ban hành chính sách, thực hiện chính sách và sự đồng hành của doanh nghiệp cần được nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, cụ thể, trong đó quan trọng nhất là chính sách của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và ủng hộ của người dân thì Việt Nam mới thực hiện cam kết đối với quốc tế là hướng tới một quốc gia có nền kinh tế thật sự xanh.

*Đại học Vinh

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, NCS Nguyễn Bá Thành*