Chuyện làm ăn

Tin giả, hậu quả thật

Cao Hưng 31/03/2024 12:46

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, những tin đồn thất thiệt đang ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh tiếng và thậm chí là hoạt động kinh doanh của các nhiều doanh nghiệp.

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra ngày càng tinh vi và nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nạn "tin tặc" tràn lan không gian mạng.

Các đối tượng tung tin thất thiệt thường có 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là nhóm cố tình đăng tải thông tin tiêu cực. Họ luôn luôn tìm ra những điểm xấu hoặc bóp méo thông tin của doanh nghiệp; Nhóm thứ hai là nhóm những người không có thông tin đầy đủ nhưng dựa vào hiểu biết hạn chế đã vẽ ra bức tranh thị trường sai lệch, khiến khách hàng và nhà đầu tư “rối loạn thông tin"; Nhóm thứ ba là nhóm không có thông tin nhưng có mục đích “câu view”, nói xấu và sẵn sàng lan truyền những thông tin chưa kiểm chứng về doanh nghiệp với mục đích bán hàng, tăng tương tác…

Các tài khoản giả mạo xuất hiện trên khắp các nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter,... sử dụng tên, logo và thông tin của các doanh nghiệp nổi tiếng để tạo ra sự tin cậy, từ đó đăng các thông tin thất thiệt như: Doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động; Thanh lý cửa hàng, showroom; Cổ phiếu "lao dốc"... nhằm mục đích lừa đảo người tiêu dùng, khách hàng của doanh nghiệp hoặc phá hoại hình ảnh của doanh nghiệp.

image.daidoanket.vn-images-upload-chienvh-12162021-_website-gia-mao-vietcombank.jpg
Các đối tượng làm giả website của một ngân hàng lớn với logo, tên miền gần như giống hoàn toàn nhằm mục đích kêu gọi đầu tư

Xuất hiện với một hình thức khác, các đối tượng tạo trang web có giao diện gần giống trang web của doanh nghiệp để khách hàng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp. Sau đó, các đối tượng sử dụng tin nhắn yêu cầu người dùng phải truy cập vào liên kết giả mạo, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và từ đó thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu người dùng, lừa đảo.

Những thông tin sai lệch này không chỉ gây tổn thất về mặt tài chính cho doanh nghiệp mà còn gây ra những hậu quả xấu đối với người tiêu dùng. Họ có thể mất lòng tin vào doanh nghiệp, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, dẫn đến sự mất mát về khách hàng và doanh số bán hàng. Xét rộng hơn, đây là hành vi gây ảnh hưởng rất xấu, nhằm phá hoại nền kinh tế.

Mới đây, Công ty CP Phát hành sách TP.HCM - Fahasa cũng cho biết, đơn vị này là một trong nhiều đơn vị chịu ảnh hưởng bởi “tin tặc". Trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan các tài khoản giả mạo, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về công ty như tuyển dụng, mua bán, đóng cửa ngừng hoạt động. Những tin bài này sử dụng tên thương hiệu, thậm chí là hình ảnh của thương hiệu để nhằm “đánh lừa" người đọc “nhẹ dạ cả tin". Ông Phạm Nam Thắng - Quyền Tổng giám đốc Fahasa nhìn nhận rằng nhiều hệ luỵ bao gồm việc ảnh hưởng đến uy tín đối với khách hàng, nhà đầu tư tiềm năng; mất thêm chi phí giải quyết các sự vụ… từ nạn tin giả, tin tặc về doanh nghiệp.

anh-man-hinh-2024-03-29-luc-11.03.03.png
Tin giả mạo về Fahasa được đăng trên mạng xã hội

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, Droppii - Nền tảng thương mại điện tử theo mô hình dropshipping cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về việc các đối tượng đã giả mạo và sử dụng hình ảnh, nội dung của công ty với các hình thức như thông báo trúng thưởng giả, yêu cầu thanh toán phí ứng trước, thực hiện nhiệm vụ để lấy thù lao, mạo danh trong việc tuyển dụng hay quảng cáo sản phẩm… Việc này không những ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu mà còn làm cho khách hàng hoang mang.

Đẩy lùi "tin tặc"

Theo ông Trịnh Hữu Anh - Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, thời gian vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vẫn đang đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội - Social Beat” để tổng hợp các tài khoản có thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, doanh nghiệp. Cùng với đó, trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, xác định các đối tượng có thực hiện hành vi vi phạm, Sở kiên quyết xử lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố cũng kêu gọi mỗi người dùng mạng xã hội phải cảnh giác, nâng cao kỹ năng nhận biết tin giả, tin sai sự thật; tuyệt đối không bị những thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến gia đình và bản thân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác "phòng chống" tin giả, tin tặc ngay từ cấp cơ sở thông qua các hoạt động mang tính chủ động, thường xuyên.

Ông Lê Xuân Lộc – Luật sư thành viên công ty Luật T&G thống kê rằng tình trạng này có thể xảy đến với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài và cả những doanh nghiệp nhỏ. Dựa trên những vụ việc đã xử lý, ông Lộc thấy, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ quan chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên khi xảy ra tình huống bị giả mạo hình ảnh, thông tin doanh nghiệp nhưng không biết dựa vào đâu, căn cứ nào để xử lý. Ngoài việc đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, doanh nghiệp phải tự mình có những giải pháp ngăn chặn và xử lý một cách kịp thời, vì các tin thì là giả mạo, nhưng hậu quả mang đến cho các doanh nghiệp là thật.

Các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản là những thị trường của niềm tin, rất nhạy cảm với tin đồn, tin giả. Ứng phó với loại tin này, yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai minh bạch, lên tiếng kịp thời các thông tin chính xác, tin cậy để tạo niềm tin thực sự với công chúng. Đối phó với tin đồn, tin giả cũng giống như việc xử lý khủng hoảng, phải nhanh và hiệu quả. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược truyền thông đáng tin cậy, quản lý tốt hình ảnh trên mạng xã hội. Đặc biệt, các chuyên gia về an ninh mạng đề xuất doanh nghiệp xây dựng đội ngũ giám sát và phản ứng nhanh để phát hiện kịp thời, hợp tác với các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn ngay từ khi có dấu hiệu bị giả mạo.

Ông Phạm Nam Thắng cho rằng, bối cảnh nạn "tin tặc" hoành hành cũng chính là thời điểm để Fahasa cũng như các doanh nghiệp tăng cường bảo vệ hình ảnh của mình trên các nền tảng số. Ông Thắng cũng chia sẻ rằng đơn vị này đã nhanh chóng thông tin lên các trang chính thống, thông cáo với báo chí để khách hàng tăng cường cảnh giác. Fahasa cũng đã hình thành ban xử lý giả mạo để lên kế hoạch ngăn chặn trong tương lai.

Về phía khách hàng, đại diện của Công ty Droppii khuyến nghị cần thận trọng, không truy cập vào các đường link nghi ngờ, từ chối cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán khi có yêu cầu đáng ngờ từ các số điện thoại, email không chính thức của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội cần kiểm chứng thông tin trên các trang chính thống của doanh nghiệp trước khi lan truyền để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Cao Hưng