Góc nhìn

Vỏ lon giết người, của ai?

Nguyễn Thị Ngọc Hải 30/3/2024 3:30

Trên mạng xã hội lại ồn ào, phê phán người vứt rác... dù “chuyện rác” đã nghe nhiều, thấy nhiều rồi. Đến vịnh Hạ Long cũng bồng bềnh rác thì còn biết nói chi. Quen rồi.

Hành vi vứt rác bừa bãi chả có gì mới, nói mỏi miệng rồi, nhưng hôm nay nó liên quan đến cái chết của một người đàn ông vào cao tốc Bình Thuận để kiếm vỏ lon và bị xe cán chết. To chuyện lắm, giết người bằng việc xả rác, là có thật rồi, không còn xa xôi nào là gây ô nhiễm, là sống thiếu văn minh.

thumbnail-670-tr34.jpg

Không phải chuyện xa - chuyện cô bé người Thụy Điển Greta Thun Berg “người hùng môi trường” lên tiếng tầm quốc tế, từng bị cảnh sát Đức bắt giữ vì biểu tình phản đối phá dỡ một ngôi làng để mở rộng mỏ than. Cô ấy cũng đã từng “mắng” các Chính phủ khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc: “Chúng tôi sẽ theo dõi các ông, các bà, không để các ông bà thoát tội đâu… Hệ sinh thái đang sụp đổ”.

Tha hồ lên tiếng. Tha hồ mắng mỏ, lời nói đều… gió đưa lên trời.

Hôm nay xứ ta có người lên mạng truy: Cái vỏ lon giết người của ai? Ai ném những vỏ lon để người đàn ông đi nhặt trong đêm trên đường cao tốc rồi bị xe cán chết?

Có người cãi: Nói thế nào ấy chứ, đường cao tốc làm gì có rác? Xe chạy liền liền không đùa với tốc độ vù vù cơ mà. Người khác dẫn ngay cả chục tít bài trên báo: Tuổi trẻ đây này: Xả rác bừa bãi trên đường cao tốc coi chừng vô tình gây tai nạn. Còn VOV: Không chỗ dừng chân, rác thải ngập tràn trên đường cao tốc. Đây nữa này: Rác thải bủa vây cao tốc TP.HCM - các tỉnh miền Tây.

Thế là rõ.

Ai cũng có thể giết người chỉ bằng cách xe đang chạy, thò tay ra ném vỏ lon. Một người “còm”: Rác này là của đám nhà giàu, đi xe riêng 4 hoặc 7 chỗ mới dễ mở cửa xe ném xuống đường, chứ xe khách thì cửa kính bịt kín làm sao ném rác. Người khác cãi: Nhỡ mấy ông xe tải chạy đường dài ném thì sao. Người khác tố thêm: Đâu chỉ nhà giàu, ngay cầu Vĩnh Tuy đủ giàu nghèo qua lại mà rác phát gớm, bịt kín hệ thống thoát nước khi mưa, ngập lênh láng”.

Người ta thi nhau tìm nguyên nhân. Cuối cùng lại tìm ra thứ “có vẻ mơ hồ”: Không bắt được người xả rác để trừng trị. Giờ lắm rác vật chất và rác tinh thần - văn hóa bị ô nhiễm trầm trọng.

Ai ném vỏ lon xuống đường? Chắc là khá nhiều nên người đàn ông nhặt ve chai mới phát hiện ra “nguồn hàng” vô tận và ban đêm liều mạng vào cao tốc nhặt rác để bán kiếm cơm.

Xin hãy tưởng tượng một người nghèo đang cắm cúi trong đêm lượm mấy vỏ lon, vừa mừng vừa thấp thỏm đi vào đường cấm. Và rất dễ mất mạng.

Đường cao tốc chỉ dành cho ô tô các loại, không có người đi bộ. Yên trí thế, xe ào ào tốc độ cao, đã giết chết người đàn ông nghèo. Vứt rác mà giết người là có thật rồi. Nhãn tiền. Không đợi lâu thành ô nhiễm này nọ giết người không nhìn thấy.

Ai vừa đi chùa, ai vừa cúng vái, ai vừa sám hối, ai vừa cầu an? Vậy mà quăng ngay thứ nhỏ nhoi... là rác, dẫn đến tội sát nhân không ai biết, không bị bắt, không bị truy cứu trách nhiệm. Chỉ có trời biết cái vỏ lon ông lão nhặt trong đêm tối ấy - cái vỏ lon sát nhân ấy là của ai…

Lan man về chấn hưng văn hóa

Muốn chấn hưng văn hóa để xây dựng con người phải nhìn nhận cái gì chưa tốt đã cản trở sự phát triển, tiến bộ. Nhìn lướt lịch sử cho ta thấy những chấn hưng văn hóa vì yếu tố con người phải khai mở từ nhận thức, lấy văn hóa làm nền tảng, làm tư tưởng xuyên suốt các chính sách từ kinh tế, văn hóa, đối ngoại. Nó là bước ngoặt làm thay đổi xã hội mà cốt lõi là xây dựng con người văn hóa.
Muốn nhấn mạnh văn hóa Việt Nam hiện nay có 9 nội dung phải “chấn hưng”: nhân cách con người; môi trường văn hóa; nâng hiệu quả tuyên truyền giáo dục; bảo tồn - phát huy giá trị; phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số; ứng dụng thành tựu công nghiệp văn hóa; phát triển nhân lực; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Ngọc Hải

Nguyễn Thị Ngọc Hải