Doanh nhân xưa

Phan Thúc Duyện - Một doanh nhân ái quốc

Lưu Thị Thanh Mẫu (*) 30/03/2024 - 02:11

Phan Thúc Duyện tham gia cứu quốc bằng cách đẩy mạnh phong trào Duy Tân cùng với các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Đặc biệt, ông tập trung vào việc phát triển kinh tế, nâng giá trị nông nghiệp Việt Nam, áp dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

32-ptduyen.jpg
Chân dung doanh nhân Phan Thúc Duyện

Phan Thúc Duyện (1873-1944) là một trong những nhà ái quốc của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Ông còn được biết đến với bút danh Phong Thử và những bút hiệu khác như My Sanh, Nam Phong. Phan Thúc Duyện đậu cử nhân năm Canh Tý (1900) tại Trường Thừa Thiên. Thay vì theo đuổi sự nghiệp quan trường, ông tích cực tham gia vào phong trào Duy Tân ở quê hương cùng với cụ Trần Quý Cáp và Phan Chu Trinh.

Nặng tình với nước

Là người thông minh, có tầm nhìn sâu rộng, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, nhưng Phan Thúc Duyện cũng như bao thanh niên ái quốc đều nhận ra rằng áo mã cân đai không thể cứu nước, không thể giúp dân mình thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Ông tham gia cứu quốc bằng cách đẩy mạnh phong trào Duy Tân cùng với những cụ như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Đặc biệt, ông tập trung vào việc phát triển kinh tế, nâng giá trị nông nghiệp Việt Nam, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Phan Thúc Duyện và Lê Bá Trinh, Hồ Thanh Vân và những người khác đã khảo sát, tổ chức khai hoang, trồng trọt ở khu vực Quế Sơn và Đại Lộc, Quảng Nam vào năm 1906. Họ tổ chức phát triển nông nghiệp và lập vườn trồng cây công nghiệp. Phan Thúc Duyện thành lập và quản lý Hội thương Phong Thử - một hình thức hợp tác kinh doanh tương tự hợp tác xã hiện nay, kinh doanh hiệu quả chỉ xếp sau Hội thương Hội An.

Sau cuộc biểu tình phản đối thuế qúa cao ở Quảng Nam năm 1908, chính quyền thực dân Pháp đã xử tử Trần Quý Cáp và bắt giữ một số lãnh đạo liên quan đến phong trào Duy Tân. Họ bị buộc tội kích động nổi dậy ở Quảng Nam, bị kết án tù và đày ra Côn Đảo. Theo "Danh sách tù nhân miền Trung" do Nguyễn Phan Quang và Lê Hữu Phước biên soạn, dựa trên hồ sơ nhà tù Côn Đảo ngày 1/10/1912, Phan Thúc Duyện, 41 tuổi, từ Phong Thử, tỉnh Quảng Nam, bị kết án bởi Tòa án Nam triều, ngày 16/8/1908.

Tầm nhìn sâu rộng

Trong thời gian Phan Thúc Duyện ở Côn Đảo, dưới sự cai trị của chúa đảo Joseph O'Connell, tù nhân chính trị được phép tham gia kinh doanh. Huỳnh Thúc Kháng đã cho biết ông và Phan Thúc Duyện cùng với Tập Xuyên, Thái Sơn và Phong Niên trở thành chủ sở hữu của hai cửa hàng ở Sài Gòn, mang tên "Quảng Hồng Hưng".

Mãi đến năm 1919, người con trai của cụ Phan Thúc Duyện là Phan Mính, tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp về làm việc ở Sài Gòn, đã làm đơn xin chính quyền thuộc địa ân xá cho ông và ông được trả tự do. Khi về đến Huế, ông bị triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp cưỡng bức lưu trú tại Quảng Bình 10 năm. Thời gian ấy ông vẫn tiếp tục với mục tiêu phát triển kinh tế và đã đóng góp nhiều công lao trong công cuộc khai phá, canh tác, phát triển kinh tế ở vùng đồi núi phía Tây Quảng Bình.

Ông đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng nhiều công trình hạ tầng quan trọng ở Quảng Nam, như đường giao thông, chợ, sân vận động, nhà hát. Nhờ những công trình này, chất lượng cuộc sống kinh tế - văn hóa của đồng bào được cải thiện, trở thành một vùng quê thịnh vượng và văn minh hàng đầu trong tỉnh và đã trở thành mô hình kiểu mẫu cho các vùng quê khác hướng đến. Sau đó Phan Thúc Duyện vào Phan Thiết lập nhân điền (1932-1935), làm đường sắt và ga Phú Cang (1935-1937).

Phan Thúc Duyện đã tham gia quy hoạch, cải thiện kiến trúc các khu đô thị nhằm tạo ra không gian đô thị hài hòa, môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng. Đây cũng chính là điều mà nhà ái quốc Phan Chu Trinh nhắc đến trong tác phẩm Tỉnh quốc hồn ca:

“Cuộc điều dưỡng mở trong dân sự
Nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm
Làm cho ba tánh yên tâm
Làm cho kinh tế càng năm càng giàu”.

Phan Thúc Duyện đã đóng góp thiết lập các quy tắc và nguyên tắc làm việc trong các tổ chức và cộng đồng. Việc lập hương ước đã tạo ra sự gắn kết trong phong trào Duy Tân, đồng thời định hình tinh thần và triết lý làm việc cho thành viên trong phong trào.

Theo tài liệu “Phong trào Duy Tân”, NXB Lá Bối, 1970 của Nguyễn Văn Xuân, Phan Thúc Duyện đã thành lập và điều hành Hợp thương Diên Phong từ năm 1906-1907. Đây là một tổ chức kinh doanh lớn và hiệu quả nhất trong phong trào Duy Tân. Tổ chức này đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm cho người dân. Ông cũng đã tham gia vào việc đổi mới sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy thương mại, tăng cường mối liên kết giữa nông nghiệp và thương mại.

Trong lĩnh vực giáo dục, Phan Thúc Duyện đã sáng lập và quản lý Trường Diên Phong - một trong những trường lớn nhất của phong trào Duy Tân. Qua trường học này, ông đã tạo ra môi trường giáo dục tiên tiến, nơi kiến thức và giáo dục được coi trọng. Ông cũng tổ chức các buổi diễn thuyết và hội thảo để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các thành viên trong phong trào.

Trong tác phẩm Tỉnh quốc hồn ca, Phan Chu Trinh phê phán lối học lạc hậu thời bấy giờ, trong khi đó Phan Thúc Duyện lại sáng lập Trường Diên Phong để thay đổi theo duy tân hóa trong giáo dục như chính ước mơ của đồng chí mình:

“Ước học hành mở cho xứng đáng
Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua
Công thương kỹ nghệ chuyên khoa
Trí tri cách vật cho ta theo cùng”

Qua bốn câu thơ trên, Phan Chu Trinh cho rằng việc dạy và học đừng chạy theo kiểu học phong trào vô bổ mà phải có phương pháp và mục tiêu hướng đến rõ ràng. Cụ đã dùng 4 chữ rất hay nói lên phương pháp học tập, đó là “Trí - Tri - Cách - Vật” tức là phải tiếp nhận nguồn thông tin tốt là trí, để có tri thức, có tri thức rồi thì phải có phương pháp khoa học, đó là cách, và phải thực chứng trong đời sống, có hình dạng đàng hoàng là vật. Đó là phương pháp mà Phan Thúc Duyện áp dụng thực chứng trong công cuộc cải cách phát triển kinh tế và đã thành công.

Doanh nhân tiêu biểu

Phan Thúc Duyện qua đời ngày 18/9 năm Giáp Thân (tức ngày 3/11/1944) tại Quảng Nam, hưởng thọ 72 tuổi. Tên ông được đặt tên đường ở nhiều thành phố. Tại TP.HCM, trên đường Phan Thúc Duyện ở quận Tân Bình có khu đền tưởng niệm nhà ái quốc Phan Chu Trinh - người đã có câu nói rất hay về cách phát triển thịnh vượng cho quốc gia cách nay hơn 100 năm, chính là “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”.

Thông qua câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Thúc Duyện, có thể thấy được công lao to lớn của ông trong việc phát triển kinh tế đất nước ngay trong thời kỳ bị đô hộ bởi thực dân và sự suy tàn của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Ông đã tạo nên những thành tựu to lớn minh chứng cho giá trị của phong trào Duy Tân. Phan Thúc Duyện trở thành một biểu tượng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, luôn sẵn sàng vì nhân dân và rất sáng tạo nhằm phát triển doanh nghiệp, tăng lợi ích cho cộng đồng nói riêng, đất nước nói chung.

(*) Tổng giám đốc điều hành Phuc Khang Corporation (tổng hợp)

Lưu Thị Thanh Mẫu (*)