Doanh nhân

Tổng hợp tin doanh nhân tuần 24 - 30/3

Thanh An 30/3/2024 7:30

Chủ tịch SSI đầu tư vào lĩnh vực tài sản số; Thương vụ mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina của Chủ tịch TCM; Tổng giám đốc Hòa Phát đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc... là những tin nổi bật về doanh nhân trong tuần qua.

Chủ tịch SSI đầu tư vào lĩnh vực tài sản số

ong-hung-chu-tich-ssi-1433-1595238929.png

Ngày 28/3, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI Digital và cũng là Chủ tịch của CTCP Chứng khoán SSI cho biết, ông và SSI đang "lấn sân" sang lĩnh vực tài sản số với dự án SSI Digital. Được biết, SSI Digital do ông Hưng cùng ông Mai Huy Tuần – CEO của SSI Digital hiện tại và ông Nguyễn Trung Trang – CPO của SSI Digital đầu tư sáng lập. Công ty tập trung vào việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, chuyển đổi số doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Hưng và đội ngũ SSI Digital cũng chia sẽ mong muốn Việt Nam sớm có cơ sở pháp lý về tài sản số để mọi người có thể tham gia trao đổi, mua bán một cách hợp pháp. Ngoài ra, việc có khung pháp lý rõ ràng cũng có thể giúp Việt Nam trở thành nơi các startup có thể tìm đến nương tựa và huy động vốn. Từ đó có thể khuyến khích những nhà đầu tư ở thế hệ trước như ông có thể hỗ trợ cho các starup nhiều hơn nữa. Vì vậy, ông cho rằng chúng ta cần có những đề xuất lên Chính phủ hợp pháp hóa tài sản số như một giao dịch dân sự. Qua đó giúp Việt Nam có thể chính thức tạo ra những sàn giao dịch tài sản số để việc mua bán, chuyển nhượng diễn ra minh bạch.

Thương vụ mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina của Chủ tịch TCM

z-o-3944.jpg

Vừa qua, Chủ tịch TCM Trần Như Tùng và HĐQT TCM vừa phê duyệt giao dịch nhận chuyển nhượng dự án đầu tư của Công ty TNHH Dệt may SY Vina, là công ty thuộc sở hữu toàn bộ của E-Land Asia Holdings - cổ đông lớn nhất của TCM sở hữu gần 47% vốn. Với việc chuyển nhượng thành công, ông Tùng cho biết, đây là định hướng của TCM nhằm thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường. Việc mua SY Vina sẽ giúp TCM tận dụng lợi thế trong chuỗi sản xuất bao gồm dệt, nhuộm và may - 3 công đoạn dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng cho biết, khi làm việc với các Giám đốc của Nhà máy, SY Vina cũng cam kết trong năm nay sẽ không bị lỗ, trong khi khoản đầu tư dài hạn phải mất đến vài năm để thực hiện điều này. Năm 2024, SY Vina kỳ vọng mang lại tầm 17 triệu USD doanh thu, đóng góp cho công ty mẹ TCM (thời điểm cuối năm hợp nhất).

Tổng giám đốc Hòa Phát đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc

e3b90f26e58917d74e98.jpg

Ngày 26/3, Tổng Giám đốc Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho biết đã đề xuất với Chính phủ về điều tra chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc trong tuần trước. Cụ thể, vào ngày 19/3, Hoà Phát đã cùng với Formosa đã gửi hồ sơ đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc.

Theo ông Thắng, động thái này nhằm ngăn chặn các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, cố tình bán dưới giá thành. Ông Thắng cũng cho biết thêm, việc áp thuế hay không còn phụ thuộc vào dữ liệu và các cơ quan Nhà nước phải tiến hành đánh giá kỹ lưỡng. "Đối với Hoà Phát, quan điểm của chúng tôi đơn giản là khi phát hiện dấu hiệu của việc bán phá giá, chúng tôi sẽ đề xuất với cơ quan Nhà nước để hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước. Ngành thép là ngành xương sống của nền công nghiệp và chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ ủng hộ việc này". Tổng giám đốc Hòa Phát chia sẻ.

"Vua Tôm" Minh Phú muốn quay về thị trường nội địa sau khi hợp tác cùng Bách Hóa Xanh

1a7435d83e7cef22b66d-168751645-2872-6273-1687516584.jpg

Ngày 26/3, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang đã ký kết hợp tác chiến lược với Bách Hóa Xanh nhằm đưa các dòng tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ và EU, được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hóa chất, vào phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh.

Được biết, gần đây, Minh Phú đã nghiên cứu thành công và nuôi tôm theo công nghệ sinh học MPBiO, bảo đảm không kháng sinh, không hóa chất nhưng vẫn đạt chất lượng cao và giá thành rẻ. Đây là cơ sở quan trọng để sản phẩm của công ty gia tăng trở lại sự hiện diện ở thị trường nội địa. Trong kế hoạch sắp tới, Minh Phú đặt mục tiêu sẽ gia tăng thị phần nội địa từ 5%-10% so với mức hiện tại.

Chủ tịch HĐQT Phát Đạt chuẩn bị đưa ra thị trường 4 đến 6 dự án lớn

doanh-nhan-ngyen-van-dat-1.jpeg

Trong báo cáo thường niên 2023 vừa công bố, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho biết, trong năm nay doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung duy nhất vào mảng bất động sản. Theo đó, các dự án ưu tiên phát triển sẽ phù hợp với nhu cầu thực. Ông Đạt cũng cho biết đang chuẩn bị đưa ra thị trường 4-6 dự án lớn với tổng giá trị doanh thu dự kiến lên đến 40.000 tỷ đồng.

Trong đó, 4 dự án trọng điểm dự kiến được tung ra thị trường trong năm nay là Thuận An 1 và 2 tại Bình Dương, Poulo Condor tại Côn Đảo, Cadia Quy Nhơn và Bắc Hà Thanh tại Bình Định. Theo kế hoạch, trong nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện sản phẩm, chiến lược bán hàng cũng như chuẩn bị chu đáo các giải pháp tài chính, nguồn lực và điều kiện để đảm bảo đáp ứng tốc độ triển khai dự án. Thời gian tới, doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu phát triển mở rộng quỹ đất. Ngoài các khu vực mà Phát Đạt đã có thị trường, công ty sẽ tích cực xúc tiến quỹ đất tại Đồng Nai, Lâm Đồng... và nỗ lực tìm kiếm quỹ đất mới tại TP.HCM.

Thanh An