Sống khỏe

Ngày Ngủ thế giới 15/3: Ngủ đủ, ngủ nhiều và ngủ thiếu…

Nguyễn Văn 29/03/2024 - 10:51

Khoảng 50% người trưởng thành trên thế giới không ngủ đủ 8 giờ liên tục cần thiết vào buổi đêm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần.

thumbnail-670-tr35.jpg

Ngày Ngủ thế giới năm nay được tổ chức vào ngày 15/3, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của một giấc ngủ sâu và đủ. Chủ đề ngày Ngủ thế giới năm nay là “Công bằng giấc ngủ cho sức khỏe toàn cầu”.

Theo các chuyên gia y tế, giấc ngủ rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta, giống như hơi thở. Những người trưởng thành nên ngủ đủ 8 giờ vào mỗi đêm, để cơ thể có thể phục hồi các chức năng đã hoạt động trong ngày.

Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại, con người đi ngủ càng muộn và thời gian ngủ có xu hướng giảm. Các nhà khoa học nhận định, thiếu ngủ có thể gây ra tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Cụ thể:

Ảnh hưởng não bộ

Giảm khả năng tập trung, ghi nhớ. Khi thiếu ngủ, não bộ không có đủ thời gian để xử lý thông tin, củng cố ký ức, hồi sinh năng lượng sau một ngày làm việc, dẫn đến khó tập trung, hay quên và giảm khả năng học tập.

Không thể ra quyết định dứt khoát. Thiếu ngủ ảnh hưởng đến khả năng tư duy logic, phán đoán và ra quyết định. Lý do là tinh thần không sáng suốt, không thể phân biệt hay nhận biết tình huống, bản chất sự vật một cách khách quan.

Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Một số nghiên cứu cho thấy, thiếu ngủ là yếu tố dẫn đến bệnh Alzheimer và nhiều bệnh thoái hóa thần kinh khác.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Khi thiếu ngủ, con người dễ bị kích động, cáu kỉnh và lo lắng, dẫn đến khó kiểm soát cảm xúc, đôi khi phá hủy những mối quan hệ với người thân và bạn bè.

Thiếu ngủ tăng nguy cơ mắc trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác.

Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất

Yếu hệ miễn dịch. Thiếu ngủ làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh; động mạch, tĩnh mạch làm việc kém hiểu quả.

Tăng nguy cơ béo phì. Một số nghiên cứu cho thấy, thiếu ngủ có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, do rối loạn hệ tiêu hóa.

Tăng nguy cơ mắc tim mạch, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác.

Ảnh hưởng đến ngoại hình

Khi thiếu ngủ, cơ thể không có đủ thời gian để tái tạo da, dẫn đến da bị nhăn nheo và thiếu sức sống.

Thiếu ngủ làm xuất hiện quầng thâm mắt và bọng mắt.

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc, khiến tóc dễ xơ rối và gãy rụng.

Thời gian ngủ bao lâu là đủ?

Thời gian ngủ phụ thuộc vào độ tuổi và nhu cầu mỗi người. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung của các tổ chức y tế, thời gian ngủ hợp lý cho các độ tuổi như sau: Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ mỗi ngày, trẻ em (4-11 tháng): 12-15 giờ mỗi ngày, mẫu giáo (1-2 tuổi): 11-14 tiếng mỗi ngày, mẫu giáo (3-5 tuổi): 10-13 giờ mỗi ngày, tiểu học (6-13 tuổi): 9-11 giờ mỗi ngày, thiếu niên (14-17 tuổi): 8-10 giờ mỗi ngày, thanh niên (18-25 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày, người trưởng thành (26-64 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày, người cao tuổi (trên 65 tuổi): 7-8 giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, đây chỉ là khuyến cáo chung. Hãy lắng nghe cơ thể và ngủ đủ giấc để cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn vào ban ngày.

Một số dấu hiệu cho thấy ngủ đủ giấc: Dễ dàng thức dậy vào buổi sáng mà không cần báo thức. Cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng trong suốt cả ngày. Tập trung tốt và hoàn thành công việc hiệu quả. Tâm trạng thoải mái, ít stress.

Nếu cảm thấy mệt mỏi, uể oải và khó tập trung, có thể đang thiếu ngủ. Hãy cố gắng ngủ đủ giấc để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Nếu ngủ quá nhiều sẽ có tác hại

Ngủ quá nhiều có thể gây ra một số tác hại đối với sức khỏe, bao gồm: Mệt mỏi và uể oải khi thức dậy. Đau đầu, do tăng áp lực nội sọ. Làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường. Ngủ quá nhiều có thể làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và suy nghĩ. Ngủ quá nhiều có thể là dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh trầm cảm. Ngủ quá nhiều có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ như ngủ rũ, hội chứng Kleine-Levin và mất ngủ.

34a-giac-ngu.jpg

Để có giấc ngủ sâu

Để có giấc ngủ sâu, dưới đây là một số lời khuyên: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Với người trưởng thành, nên đi ngủ trước 22 giờ. Tập thể dục thường xuyên. Tránh sử dụng cà phê và thuốc lá trước khi ngủ. Tạo môi trường ngủ thoải mái, như phòng ngủ tối, yên tĩnh và mát mẻ. Tránh sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại di động hay máy tính trước khi ngủ. Hạn chế ngủ ban ngày quá nhiều.

Các nhà khoa học từ hàng ngàn năm qua đã khẳng định, giấc ngủ đóng vai trò quyết định với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Đó cũng là lý do chất lượng giấc ngủ đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Văn