Start up

Đóng góp cho nền kinh tế, cần sự phối hợp

PGS-TS. Nguyễn Hồng Quân (*) 29/03/2024 - 10:51

Bên cạnh việc thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, đại học khởi nghiệp (ĐHKN) còn giúp các doanh nghiệp (DN) hiện hữu đóng góp vào nền kinh tế chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, gia tăng giá trị kinh tế, xã hội cho quốc gia.

ĐHKN giải quyết những bài toán cụ thể của kinh tế xã hội

36-dsc01454.jpg
PGS-TS. Nguyễn Hồng Quân

Đã có nhiều trường đại học đã và đang thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đơn vị chưa có động thái rõ ràng, các hoạt động khởi nghiệp ĐMST vẫn còn mang tính chất phong trào, manh mún, chưa thực sự là trụ cột trong chiến lược phát triển của các trường ĐH hiện nay. Những chỉ tiêu về chuyển giao công nghệ, ĐMST chưa nằm trong những chỉ tiêu phát triển của các trường, như vậy, các trường sẽ không dành được nguồn lực cho việc này.

Để thúc đẩy ĐHKN, thúc đẩy ĐMST trong các trường ĐH thì đầu tiên phải đi ở tầm chiến lược của trường. Tiếp đó, mới đến các vấn đề chính sách thu hút nhân tài trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST của trường ĐH, bao gồm những chuyên gia đầu ngành, văn phòng chuyển giao khoa học công nghệ, ĐMST và những bộ phận hành chính phù hợp. Hay những đơn vị giúp kết nối các trường đại học với DN, với các tổ chức chính quyền…

ĐHKN giúp các DN hiện hữu chuyển đổi xanh

Gần đây, khi nói về khởi nghiệp ĐMST, chúng ta chủ yếu tập trung vào những DN mới mà bỏ qua các DN hiện hữu, trong khi họ chiếm một tỷ trọng rất lớn và đóng góp chính cho nền kinh tế hiện nay. Còn ĐHKN đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước chứ không chỉ giới hạn ở những DN khởi nghiệp - các startup hay spin off từ trường ĐH.

Do đó, để phù hợp với việc phát triển kinh tế tuần hoàn, bên cạnh việc thúc đẩy hình thành các DN khởi nghiệp ĐMST mới theo hướng xanh, tuần hoàn, phải làm sao để trường ĐHKN giúp các DN hiện hữu chuyển đổi xanh thì tác động xã hội càng lớn hơn nữa.

Để chuyển đổi xanh thành công, đầu tiên, các DN phải thấy được đây là vấn đề cấp thiết, mang tính “sống còn”, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thế giới đang yêu cầu các sản phẩm phải xanh sạch hơn nếu không DN sẽ có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, khi chuyển đổi xanh thì các DN phải thay đổi công nghệ, đòi hỏi phải đầu tư vốn, phát triển thêm một số thị trường… Những yếu tố đó cũng đòi hỏi năng lực về tài chính, quản trị, tạo nhiều khó khăn, thách thức cho các DN.

Thực tế, những DN nào có chiến lược phát triển bền vững mạnh thì có thể tồn tại rất tốt trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng (như dịch Covid-19 vừa qua). Tính chống chịu của những DN này rất cao vì giá trị họ tạo ra rất đa dạng, không chỉ về kinh tế mà cả xã hội, môi trường, tạo thương hiệu, uy tín, giúp họ vượt qua khó khăn. Do đó, các DN cần quan tâm, chủ động kết hợp với trường ĐH và cũng cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Khi đã xây dựng được chiến lược về chuyển đổi xanh và cụ thể hóa thành kế hoạch hành động thì cân đối dựa vào nguồn lực. Có những việc chưa cần đầu tư nhiều mà vẫn có thể triển khai và từng bước đi vào văn hóa, chiến lược phát triển của DN. Những việc đòi hỏi phải đầu tư có thể làm sau. Khi đã có chiến lược rõ ràng thì khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng sẽ thuận lợi hơn, sản phẩm tiếp cận thị trường tốt hơn, doanh thu sẽ thay đổi.

thumbnail-670-tr362.jpg

Cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan để xây dựng thành công ĐHKN

Để các trường ĐH hiện nay có thể xây dựng thành công mô hình ĐHKN, tạo ra nguồn nhân lực ĐMST cho nền kinh tế tuần hoàn, cần sự phối hợp chặt chẽ của rất nhiều bên. Trước tiên, phải kể đến vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng xây dựng các khung chương trình hướng dẫn từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng bộ tiêu chí về ĐHKN. Khi đã có bộ tiêu chí này thì các trường sẽ bám theo và tất nhiên những tiêu chí đó cũng sẽ quay về chiến lược phát triển của các trường ĐH. Thậm chí, vai trò tự chủ của các trường phải cao hơn, do mỗi trường có nguồn lực, đặc thù riêng nên cũng cần có không gian xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, gắn với thực tiễn của từng địa phương.

Thứ hai, vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những chính sách của các Bộ này phải giúp các trường ĐH có cơ hội khai thác các chương trình, các đề tài nghiên cứu khoa học cho đến các dự án sản xuất về thử nghiệm khoa học, công nghệ hay đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút nguồn nhân lực không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Lúc đó sẽ cần thêm vai trò của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, sẽ cần những đặt hàng cụ thể của các bộ, ngành cho các trường ĐH làm để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Và không thể không kể đến nguồn lực rất lớn đó là DN, họ không chỉ đặt hàng các trường ĐH về nguồn nhân lực mà cả các nghiên cứu. Các DN sẽ đầu tư cho các trường nghiên cứu những vấn đề mới, những vấn đề phức tạp của thực tiễn và chia sẻ những kiến thức mới đó phục vụ trở lại DN và xã hội.

Làm việc gì cũng tốn kém, nhưng các DN cần thấy được những giá trị sẽ mang lại thì mới có thể cân đối giữa những công việc ngắn, trung và dài hạn, từ đó có giải pháp phù hợp với nguồn lực, năng lực của mình. Điều quan trọng là các DN có muốn làm và nghiêm túc muốn triển khai chuyển đổi xanh hay chưa.

(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển
kinh tế tuần hoàn - Đại học Quốc gia TP.HCM
(Lê Hạnh lược ghi)

PGS-TS. Nguyễn Hồng Quân (*)