Chuyện làm ăn

Mở rộng kinh doanh ở nước ngoài: Chuẩn bị tâm lý để vượt qua rào cản

Hồng Nga 27/03/2024 11:30

Đầu tư ra nước ngoài với kỳ vọng mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt mong “thoát khó” trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

1_vin-1629846983902.jpg

VinFast khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại Ấn Độ, FPT thâu tóm một công ty công nghệ Nhật Bản, Hòa Bình trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya, Meet & More mở cửa hàng nhượng quyền tại Hàn Quốc… Tất cả tạo nên sự sinh động trong hoạt động kinh tế những tháng đầu năm 2024.

Theo ông Phạm Sanh Châu - Tổng giám đốc VinFast Ấn Độ, việc xây dựng nhà máy ở Ấn Độ là hướng tới mục tiêu chuyển hóa xanh và bền vững của chính phủ nước này, cũng là một trong những thị trường trọng điểm trong kế hoạch mở rộng ra toàn cầu của VinFast. Không chỉ nắm bắt cơ hội từ thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới, VinFast Ấn Độ tạo “bàn đạp” cho Công ty xuất khẩu ô tô điện ra thế giới.

Trong năm 2023, FPT cũng đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp, như Intertec Intenational, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. Thế Giới Di Động đã mở 50 cửa hàng điện máy tại Indonesia. Erablue. Công ty Liên kết Thương mại Toàn cầu (Meet & More) mới đây cũng vừa ký nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng Meet & Mero tại Hàn Quốc. Cửa hàng đầu tiên trong kế hoạch mở 5 cửa hàng trong năm 2024 tại Hàn Quốc của Meet & More đã đi vào hoạt động tại Seoul.

“Vươn mình ra biển lớn”, DN Việt sẽ có nhiều cơ hội thành công nhưng cũng gặp phải không ít thách thức và rủi ro bởi mỗi nước đều có chính sách kinh tế, phong tục tập quán, văn hóa riêng. Đó là chưa kể những rủi ro đến từ vận tải, tỷ giá… Muốn phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài, DN phải định hướng kinh doanh lâu dài, tạo dựng được thương hiệu và uy tín. DN phải để khách hàng, thị trường thế giới nhìn nhận sản phẩm Việt, thương hiệu Việt gần với chuẩn quốc tế. Nói như lãnh đạo FPT thì phải mất nhiều năm mới rút ra được một điều quan trọng là nếu DN Việt muốn kinh doanh với DN Nhật thỉ phải hiện hiện tại Nhật Bản. Người Nhật sẽ tin tưởng hơn khi DN Việt có đại diện tại Nhật, khi cần họ có thể gặp và trao đổi được ngay. Hay tại thị trường Mỹ, nên kinh doanh ở Bờ Tây - vùng có nắng ấm và người dân thích kết nối xã hội, dễ tính và cởi mở.

Còn với các thị trường lớn như Ấn Độ, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Retail & Franchise Asia khuyên DN nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để vượt qua một số rào cản như phân biệt đẳng cấp xã hội vẫn còn rất lớn. Với thị trường Ấn Độ, với 36% người dân có thể nói tiếng Anh nên DN khi qua đây phải nói được tiếng Anh. Ấn Độ rất đa dạng về tôn giáo, phân biệt về đẳng cấp nên sự tương phản, khác nhau giữa các vùng khác nhau, giữa các nhóm khách hàng khác nhau là rất lớn. Khi tiếp cận thị trường này, DN phải hiểu là đang tiếp cận một thị trường của nhiều thị trường, quốc gia của nhiều quốc gia.

Hồng Nga